Để tặng quà tết thành nét đẹp văn hóa
Trong văn hóa dân tộc của chúng ta, việc biếu quà tết là một nét đẹp, được hình thành và lưu truyền qua bao thế hệ, không chỉ trong gia đình, dòng họ mà cả ngoài xã hội.
Những món quà tết, dù to hay nhỏ, cũng là tấm lòng của người tặng, thay lời cảm ơn sinh thành, dưỡng dục đến cha mẹ, ông bà hay tri ân những người đã giúp đỡ khi khó khăn, hoặc thể hiện sự quan tâm đến những người thân thiết.
Lúc này, món quà thể hiện tấm lòng, sự chân tình của cá nhân, hoặc tập thể với mọi người, cũng giúp gắn kết tình cảm con người, gắn kết cộng đồng với nhau.
Bởi thế, sẽ không quá khi nói đây là mỹ tục thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó giữa người thân, bạn bè, đồng nghiệp cũng như các mối quan hệ xã hội. Qua thời gian, nó là một phần của Tết.
Ở góc độ xã hội, món quà tết còn giúp cho việc gắn kết tình cảm, thể hiện sự trân trọng. Không chỉ riêng ngày Tết, trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi đến thăm nhà ai đó, chúng ta mang theo túi quà nhỏ, thể hiện tình cảm của mình với chủ nhà cũng sẽ là một nét đẹp trong giao tiếp, ứng xử.
Tuy nhiên, phải nói rằng, trong bối cảnh hôm nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, với các yếu tố lợi ích vật chất chi phối các mối quan hệ công việc, xã hội, nhiều khi phong tục tốt đẹp ấy bị biến tướng, bị lợi dụng để tạo vỏ bọc cho hành vi hối lộ, “lại quả”.
Sẽ càng nguy hại hơn khi gói quà tết, với giá trị lớn, được dùng như công cụ để được xuê xoa, dung túng, bao che hành vi sai trái trong công tác hay làm ăn gian dối; để lo lót, nhờ vả, trả ơn hoặc đặt chỗ để được cất nhắc, ủng hộ, hoặc để không bị cấp trên làm khó dễ, bắt bẻ ngày thường; để buôn danh, bán lợi, mưu cầu lợi ích cá nhân.
Để đấu tranh, ngăn chặn biến tướng trong chuyện biếu quà tết, những năm gần đây, gần đến Tết, Trung ương đều có Chỉ thị liên quan đến việc biếu quà tết, tặng quà tết.
Điều này cho thấy, Trung ương đã nhận định đây là vấn đề hết sức quan trọng, thậm chí là hệ trọng. Bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, có thể dẫn đến suy thoái đạo đức, lối sống, suy thoái tư tưởng chính trị.
Khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ đến gần, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025. Chỉ thị nêu rõ: Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.
Ở tỉnh ta, ngày 23/12/2024, Thường trực Tỉnh ủy có Công văn số 1519-CV/TU về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 11-12-2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.
Trong văn bản chỉ đạo, Tỉnh ủy nhấn mạnh không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không tổ chức đoàn của tỉnh thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố; thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.
Tiếp đó, ngày 27/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Chỉ thị cũng nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.
Cũng có ý kiến, quan điểm cho rằng, rất khó để kiểm tra, giám sát việc thực hiện trên thực tế. Nhưng cá nhân tôi lại cho rằng, dù chưa thể chấm dứt được hẳn, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, của tỉnh, rõ ràng là đã có chuyển biến.
Tôi càng tin tưởng rằng, đa số cán bộ, đảng viên đã quán triệt và đều có ý thức cao về việc cần phải thực hiện nghiêm Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh. Từ đó có quyết tâm cao và hành động cụ thể để chấp hành.
Tất nhiên, để chấm dứt hoàn toàn những biến tướng, đưa việc tặng quà dịp Tết quay trở lại đúng giá trị, mang ý nghĩa tôn vinh, gắn kết, tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội vẫn cần sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp.
Sự nêu gương này là rất quan trọng, vì suy cho cùng, việc tặng quà Tết có giá trị cao, mang tính hối lộ, “lại quả” cũng chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng nhất định. Một khi cán bộ lãnh đạo, đảng viên nêu gương, kiên quyết không nhận những món quà giá trị lớn, những món quà mang ý nghĩa “vỏ bọc”, sẽ có sức lan tỏa, khích lệ mọi người làm theo.
Đặc biệt, cũng là tặng quà Tết, thay vì biến nó thành vỏ bọc cho hành vi sai trái, thay vì lợi dụng để hối lộ và nhận hối lộ thì hãy để món quà ấy thể hiện đúng bản chất của một phong tục đẹp ngày Tết.
Chi phí tặng quà tết có thể dùng để phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc thông qua việc đóng góp thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững, xóa nhà tạm, nhà dột nát; triển khai các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết.
Hoặc để tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết cán bộ lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Lúc ấy, tặng quà Tết sẽ thực sự là một nét đẹp văn hóa như vốn có!