Để người dân Đắk P'lao an cư lạc nghiệp

Thanh Hằng - Lê Phước| 30/12/2021 09:21

Từng được bố trí đất và nhà tại khu tái định cư xã Đắk P'lao mới, thế nhưng một số hộ dân lại quay trở về khu vực xã Đắk P'lao cũ để sinh sống. Trước cuộc sống "nhiều không", chính quyền địa phương đang nỗ lực vận động người dân tới nơi ở mới để ổn định hơn.

Bài toán đất sản xuất

Đầu tháng 12, gia đình chị H’Dung tất bật thu hoạch vườn cà phê chín đỏ nằm dọc quốc lộ 28, đoạn qua Vườn Quốc gia Tà Đùng, xã Đắk Som (Đắk Glong). Số cà phê này được gia đình chị H’Dung trồng 5 năm trước, sau khi rời xã Đắk P'lao mới để trở về nơi ở cũ- nơi từng được gia đình chị nhường lại để làm Thủy điện Đồng Nai 3.

Chị H’Dung cho biết, năm 2010, gia đình chị được bố trí đất và một căn nhà tại xã Đắk P'lao mới và cả nhà đã chuyển lên đó ở. Tuy nhiên vì phát sinh nhiều bất cập nên 3 người lớn trong nhà (gồm mẹ chồng và vợ chồng chị H’Dung) đã về lại nơi ở cũ. Hiện tại, chỉ có 2 đứa con của chị H’Dung ở lại căn nhà tái định cư để tiện cho việc đi học. Vườn cà phê rộng khoảng 1 ha này là số đất còn lại của bố mẹ chồng chị, nằm ngoài khu vực phải thu hồi.

Chia sẻ về quyết định này, chị H’Dung cho biết: “Mỗi gia đình được cấp một ít đất sản xuất và những hộ dân đến sớm đã lấn chiếm hết đất của gia đình tôi. Hai năm về sinh sống ở đó, tôi phải đi làm thuê, làm mướn khắp nơi để nuôi hai con đi học. Khổ quá, chúng tôi phải về lại nơi ở cũ. Đất ở đây tốt, làm cà phê mỗi năm cũng được mấy tấn, đủ để cả gia đình sinh sống thoải mái”.

Chị H’Dung cho biết thêm, vì điều kiện đường sá, lại muốn gần gũi để chăm sóc con cái, gia đình sẵn sàng về nơi tái định cư mới nếu được bố trí đủ đất để sản xuất, không phải quay trở lại cảnh đi làm thuê khắp nơi để kiếm tiền nuôi các con.

Nguyện vọng của người dân khi về nơi ở mới là có đủ đất sản xuất, không còn cảnh phải đi làm thuê

Tương tự, năm 2010, gia đình chị H’Loan được cấp một căn nhà tại khu tái định cư xã Đắk P'lao mới, nhưng lại không được cấp đất sản xuất. Tự khai hoang, canh tác cà phê được một vài năm thì diện tích đất này bị thu hồi, gia đình chị H’Loan buộc phải trả lại cho một công ty lâm nghiệp.

Không có đất sản xuất, không có thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày, nên vợ chồng chị H’Loan lại về nơi ở cũ. Dựng tạm một căn nhà để che nắng, che mưa, hai vợ chồng chị bắt đầu trồng lại cà phê trên diện tích đất năm xưa còn lại của gia đình.

“Dù cuộc sống ở đây cũng thiếu thốn nhiều thứ nhưng ít nhất không phải lo đến đất sản xuất nên chúng tôi có nguyện vọng ở lại đây. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó mà phải đến nơi ở mới, điều chúng tôi mong mỏi nhất là ở đó phải có đất sản xuất, có nguồn nước sạch để người dân chúng tôi sinh hoạt”, chị H’Loan cho hay.

Để người dân an tâm với nơi ở mới

Theo thống kê của UBND huyện Đắk Glong, trước đây có 42 hộ dân rời xã Đắk P'lao mới để trở về nơi ở cũ. Sau quá trình sinh sống, đã tăng lên 56 hộ dân, làm nhà và canh tác cây trồng trên phần đất chưa bị ngập, gần lòng hồ của Thủy điện Đồng Nai 3 và nằm trong khu vực của Vườn Quốc gia Tà Đùng.

Trong những năm qua, việc giải quyết chính sách đền bù và ổn định đời sống của các hộ dân luôn được chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo tập trung tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa đưa các hộ dân này về nơi ở mới được.

Theo đánh giá, nguyên nhân khiến người dân chưa đồng ý đến nơi ở mới là các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của họ đến nay chưa được giải quyết đầy đủ, trong đó chủ yếu là nhu cầu cấp đất sản xuất. Ngoài ra, từ năm 2005-2010 (thời điểm dự án Thủy điện Đồng Nai 3 thi công) phát sinh thêm nhiều hộ dân mới nên đất tái định cư không đủ cấp cho các hộ dân này.

Hơn 50 hộ dân xã Đắk P'lao sinh sống dọc quốc lộ 28, thuộc  khu vực quản lý của Vườn Quốc gia Tà Đùng

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, cuối tháng 11 vừa qua, chính quyền địa phương đã có buổi làm việc với các hộ dân tại khu vực xã Đắk P'lao cũ nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Qua làm việc, đại diện các hộ dân cho biết một số lý do khiến họ quay trở lại nơi ở cũ như một số người đã có tuổi nên muốn ở lại đất của ông bà, tổ tiên; đất đai sản xuất nơi ở mới không đủ, không phù hợp với trồng cà phê, trong khi đất đai nơi cũ màu mỡ, gần nguồn nước tưới; người dân có tâm lý sống gần rừng và bảo vệ rừng cộng đồng…

Tuy nhiên, theo ông Phương, để bảo đảm đời sống của người dân, cũng như quyền tiếp cận với những dịch vụ thiết yếu, huyện đã lên phương án bố trí một khu đất ở mới cho 56 hộ dân này.

“Hiện nay, khu vực bà con đang sinh sống chưa có trường học, rất thiệt thòi cho các cháu nhỏ trong độ tuổi đến trường. Địa phương đã tiến hành khảo sát một số vị trí tại xã Đắk Som, gần nơi mà bà con canh tác, sản xuất để vận động về ở. Nơi ở mới sẽ gần trường học, UBND xã, trạm y tế và thuận lợi cho bà con đi lại hơn”, ông Phương thông tin thêm.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/de-nguoi-dan-dak-p-lao-an-cu-lac-nghiep-90849.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/de-nguoi-dan-dak-p-lao-an-cu-lac-nghiep-90849.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Để người dân Đắk P'lao an cư lạc nghiệp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO