Đề nghị tính “KPI” với công chức, viên chức từ 3 tháng đến 1 năm
Thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Văn Thân nói, cần có các chỉ tiêu đánh giá năng lực cán bộ công chức, viên chức sát hơn, hiệu quả hơn, giống như KPI của doanh nghiệp đối với từng người.
Đại biểu Thân cho rằng, những người hưởng lương từ ngân sách nên cần có đánh giá kết quả 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, trong đó những người hoàn thành và xuất sắc sẽ được tặng thưởng bằng khen theo cấp bậc khác nhau, thậm chí cả đề bạt, thăng chức.
Chiều 15/2, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, con số tăng trường 8%/năm 2025, dưới góc độ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần Chính phủ, Quốc hội có nghị quyết quy định sự phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI.

Về nguồn lực doanh nghiệp, ông Thân cho biết cả nước còn với 5 triệu hộ kinh doanh chưa lên doanh nghiệp, do đó cần hỗ trợ họ để có nghĩa vụ nộp thuế.
“5 triệu hộ kinh doanh, chúng ta vẫn chưa định nghĩa được, ủng hộ người ta hay không? Phải có một giải pháp cụ thể với 5 triệu hộ kinh doanh này”, đại biểu đoàn Thái Bình nói.
Với các doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Thân cho rằng doanh nghiệp được giao nhiệm vụ nào thì làm nhiệm vụ đó, không nên lấn sân sang nhiệm vụ khác. Ví dụ Tập đoàn Dầu khí thì chỉ nên tập trung vào dầu khí, Tập đoàn Điện lực thì chỉ làm điện lực…
“Nếu tập trung vào bất động sản, tập trung “vào cái lọ, cái chai” thì không nên”, Đại biểu Thân nhấn mạnh và kiến nghị Thủ tướng nên nghiên cứu việc giao nhiệm vụ cụ thể cho doanh nghiệp Nhà nước.
Với các dự án, đại biểu này cũng đề nghị phân định cụ thể. Dự án thuộc Chính phủ thì Thủ tướng quyết, thuộc Bộ thì Bộ quyết, thuộc tỉnh thì tỉnh quyết. Điều này nhằm tránh phiền hà trong khi đấu thầu. Hiện nay, đấu thầu mất rất nhiều thời gian.
Đại biểu Thân cho rằng, cần gỡ bỏ các nút thắt đang triển khai của các dự án vi phạm hoặc vướng luật trên tinh thần vị mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Thân cho biết, để có tăng trưởng cao, cần nỗ lực của tập thể, của lãnh đạo các địa phương, cơ quan bộ ngành. Chính vì vậy, cần có chỉ tiêu đánh giá kết quả công việc cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Bởi đây là những người hưởng lương từ ngân sách nên cần có đánh giá kết quả 3 tháng, 6 tháng, 1 năm.
“Những người hoàn thành và xuất sắc sẽ được tặng thưởng bằng khen theo cấp bậc khác nhau, thậm chí cả đề bạt, thăng chức”, Đại biểuThân nói.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh theo đánh giá của Chính phủ thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tư duy xây dựng pháp luật còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển. Một số quy định của pháp luật cơ chế chính sách còn chậm, chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; phân cấp, phân quyền còn có nhiều bất cập, hạn chế.

Do đó, ông Mai đề nghị trong Nghị quyết nên bổ sung tập trung đưa ra các giải pháp toàn diện, định hướng trong công tác xây dựng pháp luật để tham vấn những điểm nghẽn, không nên đưa việc phải sửa luật này, luật kia cụ thể như trong dự thảo Nghị quyết. Để từ đó làm cho thể chế không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” mà là “đột phá của đột phá”, kiến tạo, tạo không gian phát triển mới.
Tiếp theo, đại biểu Mai nhấn mạnh cần tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu, hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Đại biểu thống nhất ý kiến của Ủy ban Kinh tế là đầu tư công năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng.
Đặc thù năm 2025 tăng cường chính sách tài khóa, vốn đầu tư công bố trí ở mức cao, nhiều dự án trọng điểm hoàn thành hoặc chuẩn bị đầu tư; có giải pháp thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội. Thực hiện thành công chủ trương “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
“Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, thường xuyên đôn đốc nhưng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhiều năm chưa được khắc phục một cách triệt để. Vì vậy, cần đánh giá kỹ làm rõ nguyên nhân nhất là nguyên từ thể chế cũng như trách nhiệm của các chủ thể để từ đó có giải pháp toàn diện nhằm chấm dứt tồn tại này trong thời gian tới”, ông Mai nói.
Về nội dung đẩy mạnh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả quy hoạch điện VIII trong bối cảnh mới, ông Mai đề nghị: “Chính phủ cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc đối với các dự án năng lượng tái tạo và hiện nay đang đứng im như một "dấu chấm than lớn giữa trời đất", gây lãng phí nguồn lực của xã hội”.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng tăng trưởng ở mức cao năm nay thì cần quan tâm tới các giải pháp tức thì, tức là những giải pháp có tác động ngay. “Cần phân loại, giải pháp nào thực hiện được ngay thì cần ưu tiên thực hiện, còn giải pháp dài hơi thì triển khai theo quy trình thông thường”, ông An nói.