Góp ý về Điều 10 của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện đảo, xã đặc biệt khó khăn mới được vay vốn thì không công bằng với những hộ nghèo, hộ cận nghèo ở những nơi khác. Tức chỉ quy định hỗ trợ cho xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn những hộ nghèo ở những nơi khác lại không được hỗ trợ. Quy định như vậy thì không hợp lý.
Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định hỗ trợ tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã đặc biệt khó khăn trong cả nước đều được hỗ trợ vay vốn.
Về quy định đăng ký lao động ở Chương 3, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là nội dung rất mới và lớn, tuy nhiên quy định không rành mạch, rõ ràng; đồng thời băn khoăn cơ quan, tổ chức cho đăng ký lao động việc làm là ai, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hay Phòng Lao động hay ở xã, phường? Nếu các cán bộ xã, phường phụ trách đăng ký thêm việc làm lao động thì sẽ gặp nhiều khó khăn vì họ phải kiêm nhiệm nhiều công việc.
Dó đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm tính hợp lý của vấn đề này, nếu không hợp lý thì đề nghị bỏ quy định này ở Chương 3, tránh gây rườm rà cho các cơ sở ở xã, phường.
Liên quan đến quy định về Hội đồng kỹ năng nghề, dự thảo Luật quy định tất cả bộ, ngành ở Trung ương đều thành lập Hội đồng kỹ năng nghề, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giao cho Chính phủ quy định.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định như vậy rất bất cập, chỉ bộ ngành nào có liên quan, UBND xã, phường có liên quan thì mới thành lập Hội đồng kỹ năng nghề để đánh giá, còn bộ, ngành nào không liên quan thì không nhất thiết phải thành lập. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này.
Ngoài ra, đánh giá riêng về kỹ năng nghề quốc gia, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cho rõ, cụ thể về trình độ, năng lực, học hàm, học vị.