Để ngành chăn nuôi Tuy Đức phát triển bền vững

Ngọc Lê| 05/04/2021 10:35

Nhiều hộ dân ở huyện Tuy Đức đang tận dụng tốt những lợi thế để phát triển chăn nuôi, cải thiện thu nhập, góp phần đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Đức, trong quý I/2020, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều do thiên tai, dịch bệnh, nhưng ngành chăn nuôi của huyện tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng đàn gia súc, gia cầm cũng như hình thức chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại ngày càng tăng.

Anh Điểu Byan, ở bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo đã tận dụng đất đai, nguồn thức ăn trong vườn để phát triển chăn nuôi bò

Hiện nay, toàn huyện có khoảng 40 gia trại chăn nuôi quy mô vừa, với doanh thu từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Toàn huyện đã phát triển được 6 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn.

Trong đó, điển hình nhất phải kể đến trang trại chăn nuôi heo hậu bị ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Đức Tiến Lê, ở thôn 9, xã Đắk Búk So với quy mô chăn nuôi 24.000 con/năm.

Trang trại nuôi chim cút lấy trứng của gia đình ông Khổng Văn Nhờ, ở thôn 6, xã Đắk Búk So, có quy mô 20.000 con/năm. Trang trại này đã hoạt động khá lâu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hầu hết các trang trại chăn nuôi ở Tuy Đức đều tạo dựng được chuỗi sản xuất, cung ứng và có đầu ra ổn định, ngày càng có quy mô lớn. Điều này đã tạo động lực cho nhiều hộ dân trên địa bàn mạnh dạn phát triển ngành chăn nuôi một cách quy mô, bài bản hơn.

Cũng theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Đức, để đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, bền vững, đơn vị thường xuyên hướng dẫn, vận động người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăn nuôi.

ADQuảng cáo

Đối với gia súc, đơn vị hướng dẫn bà con hạn chế thả rông và tập trung chăm sóc tại chuồng trại. Trong mùa mưa, gió, bà con cần che chắn chuồng trại để chống gió lùa, chuẩn bị đầy đủ lượng thức ăn xanh, cỏ khô cho đàn gia súc, tránh tình trạng bỏ đói.

Công tác phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được đơn vị đặc biệt chú trọng. Đơn vị đã thường xuyên giám sát, hướng dẫn bà con trong việc chọn lựa giống vật nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, có hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Tuy Đức thường xuyên hỗ trợ bà con tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn đã được huyện quảng bá, giới thiệu ra các thị trường lớn, góp phần bảo đảm đầu ra cho bà con.

Thời gian qua, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn Tuy Đức duy trì ở mức ổn định. Cụ thể, trong quý I/2021, toàn huyện duy trì khoảng 315 con trâu, 3.486 con bò, 1.620 con dê, 6.940 con heo. Tổng đàn gia cầm toàn huyện ước đạt hơn 71.634 con.

Ngành chăn nuôi của huyện Tuy Đức đang có đầu ra ổn định. Hầu hết các sản phẩm chăn nuôi của người dân đều được tiêu thụ vào các thị trường trung tâm, ít xảy ra tình trạng mất giá hoặc ép giá. Người dân cũng vì thế mà yên tâm hoạt động và đầu tư chăn nuôi một cách bài bản, có quy mô hơn.

Theo ông Kiều Quý Diện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Đức, hiện nay người dân đang bước vào thời kỳ tái đàn gia súc, gia cầm. Do đó, số lượng vật nuôi trên địa bàn sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Ngành Nông nghiệp huyện đang tích cực khuyến khích người dân tận dụng lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn thức ăn... để phát triển chăn nuôi, cải thiện thêm thu nhập.

Đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm soát dịch bệnh, giúp người dân chuyển từ chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang hình thức tập trung, đưa ngành chăn nuôi của Tuy Đức phát triển theo hướng bền vững, ổn định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để ngành chăn nuôi Tuy Đức phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO