Để lúa ST25 thích ứng hơn với đồng ruộng Đắk Nông

Thanh Nga| 10/11/2021 08:50

Lúa ST25 sản xuất trên địa bàn tỉnh cho thấy nhiều phẩm chất tốt, nhất là kháng sâu bệnh, cho năng suất cao. Tuy nhiên, giống lúa này cũng bộc lộ một số điểm yếu cần được cải thiện.

ADQuảng cáo

Vụ đông xuân 2020-2021, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh trồng 80 ha lúa ST25, năng suất đạt tầm 11 tấn lúa khô/ha, cao hơn lúa ST24 khoảng 1 tấn. Vụ thè thu năm nay, HTX tiếp tục thí điểm trồng 6 sào lúa ST25, với 2 hộ dân tham gia. Đến nay, 2 hộ dân này đã thu hoạch lúa.

Chị Nguyễn Thị Duyên, người tham gia trồng 4 sào lúa ST25 vụ hè thu cho biết, qua 2 vụ sản xuất cho thấy, loại lúa này thường cao hơn các loại lúa khác khoảng 10 cm, thân mềm. Trong khi đó, bông lúa nhiều hạt, nên rất dễ gãy đổ, nhất là gặp những đợt gió lớn.

Ở vụ đông xuân, gia đình chị trồng 1,5 ha lúa ST25, cuối vụ có khoảng 3 sào bị đổ. Vụ hè thu này, cũng có hơn 1 sào lúa bị đổ. Lúa đổ không chỉ làm mất năng suất mà hạt gạo còn đen, mất giá trị.

Lúa ST 25 vụ hè thu dễ bị ngã đổ

Còn anh Hoàng Văn Minh, thôn Cao Sơn, xã Buôn Choáh, cũng cho biết, lúa ST25 thường bị sâu tấn công vào cuối vụ. Nguyên nhân là trên cánh đồng Buôn Choáh hiện có tới trên 95% diện tích lúa khác.

Những loại lúa khác thường chín sớm và thu hoạch trước lúa ST25. Do đó, vào cuối vụ, côn trùng tập trung vào tấn công lúa ST25, làm cho năng suất, chất lượng lúa giảm.

"Từ thực tế sản xuất này, chúng tôi rất muốn HTX điều chỉnh thời gian trồng lúa ST25 và có giải pháp kỹ thuật phù hợp để khắc phục các nhược điểm của nó", ông Minh cho biết.

Theo bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Ban quản lý VietGAP, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh, đơn vị đã cử người đến Sóc Trăng, nơi xuất xứ giống lúa ST25, để học tập kỹ thuật, kinh nghiệm.

ADQuảng cáo

Thế nhưng, quá trình sản xuất thực tiễn tại Buôn Choáh vẫn cần tiếp tục thí điểm, rút kinh nghiệm. Lúa ST25 có ưu điểm về năng suất, chất lượng, ít sâu bệnh, nhưng nhược điểm lớn là dễ gãy đổ.

Ngoài ra, do có thời gian thu hoạch dài khoảng nửa tháng so với các loại lúa khác, nên thường bị các loại côn trùng, sâu bọ tấn công cuối vụ, làm giảm năng suất, chất lượng lúa.

Chẳng hạn, năng suất lúa ST25 vụ hè thu chỉ đạt gần 6 tạ lúa khô/sào, giảm khoảng 5 tạ so với vụ đông xuân. Nguyên nhân là do vụ hè thu thường bị ảnh hưởng bởi bão, gió to, nên lượng lúa gãy đổ nhiều, giảm năng suất.

 HTX Nông nghiệp Buôn Choáh phơi lúa ST25

"Những nhược điểm này HTX đã nhận diện được và đang tìm hướng khắc phục. Trước mắt, HTX sẽ điều chỉnh lịch thời vụ sao cho phù hợp và tìm cách ngừa côn trùng cho đồng lúa vào cuối vụ", bà Vân chia sẻ.

Dự kiến vụ đông xuân 2021-2022, HTX tiếp tục trồng thí điểm khoảng 20 ha lúa ST25. Hiện nay, bà con đang cày ải đất và khoảng 2 tháng nữa sẽ xuống giống.

HTX sẽ chú trọng điều tiết thời gian gieo sạ để tránh thời điểm lúa ST25 và các loại lúa khác cùng trổ đòng nhằm bảo đảm chất lượng gạo, tránh côn trùng tập trung tấn công vào cuối vụ, làm giảm năng suất, chất lượng lúa.

HTX cũng sẽ tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia về trồng lúa để điều chỉnh cách bón phân, giúp cây lúa cứng hơn. Với những điều chỉnh mới, HTX hy vọng sẽ khắc phục được các nhược điểm của lúa ST25 trong những vụ tới.

Giống lúa ST25 là thế hệ mới nhất của dòng lúa thơm lừng danh, với nhiều phẩm chất được xếp vào hàng "thượng hạng". Nhờ đó, chất lượng gạo ST25 đã được công nhận trên trường quốc tế. Cụ thể, gạo ST25 xuất sắc đạt danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới 2019" và giành giải nhì tại cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới 2020" được tổ chức tại Mỹ. Điều này đã khẳng định phẩm cấp thượng hạng của hạt gạo Việt Nam.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để lúa ST25 thích ứng hơn với đồng ruộng Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO