Để khuyến nông là "bạn đồng hành của nhà nông"
Tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển ngành khuyến nông Đắk Nông mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên chỉ đạo, ngành khuyến nông cần phát huy tối đa vai trò “bạn đồng hành của nhà nông”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, UBND tỉnh luôn quan tâm đến hoạt động của hệ thống khuyến nông. Tỉnh đã triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách về công tác này.
Hệ thống khuyến nông đã từng bước được kiện toàn, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến nông vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại. Đó là cơ chế chính sách hoạt động khuyến nông chưa đồng bộ.
Nguồn lực đầu tư cho hoạt động khuyến nông còn hạn chế, chưa tương xứng yêu cầu thực tế. Lực lượng cán bộ còn mỏng, chưa đáp ứng được chuyên môn trên các lĩnh vực sản xuất.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khuyến nông nghèo nàn. Chính sách cho cán bộ làm công tác khuyến nông chưa tương xứng.
Do đó, các nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông kém linh hoạt, thiếu đa dạng. Công tác tư vấn, dịch vụ khuyến nông chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất.
"Việc tái thiết hệ thống khuyến nông là rất cần thiết. Trong đó trọng tâm là đổi mới về cơ chế chính sách, đổi mới về phương thức quản lý, tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu khuyến nông", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, để hoạt động khuyến nông hiệu quả hơn, đồng hành với sự phát triển của ngành Nông nghiệp, khuyến nông Đắk Nông cần bám sát vào các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Đảng và Nhà nước.
Trong đó, có 3 vấn đề trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại. Khuyến nông cần lấy đó làm phương châm để hoạt động.
Ngoài ra, trong các chương trình về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… đều có vai trò cốt yếu của khuyến nông.
Do đó, ngành khuyến nông phải xác định vai trò của mình trong các lĩnh vực, chương trình, dự án triển khai tại địa phương.
Từ đó, phát huy tinh thần xung kích, đi đầu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn, đáp ứng được thị trường tiêu dùng.
Ngoài ra, khuyến nông phải làm tốt vai trò đồng hành và “cầm tay chỉ việc” đối với người nông dân. Để phát huy được chức năng đó, ngành khuyến nông cần củng cố đội ngũ khuyến nông cộng đồng, khuyến nông cơ sở.
Đổi mới, tái thiết lại hệ thống khuyến nông là đổi mới phương thức thông tin truyền thông; tăng cường áp dụng các phương tiện, công nghệ hiện đại trong hoạt động khuyến nông.
Khuyến nông cần đổi mới phương thức đánh giá, phổ quát và nhân rộng mô hình trình diễn. Trong đổi mới phương thức đào tạo, tập huấn, khuyến nông cần gắn với mô hình trình diễn, các mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thời lượng thực hành, tham quan thực tế.
Khuyến nông cần áp dụng các phương thức giảng dạy tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo, tập huấn. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là hỗ trợ nông dân trong chuyển đổi số cũng cần ngành khuyến nông chú trọng hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh: “Ngành khuyến nông phải chủ động liên kết với doanh nghiệp và hợp tác kết nối công tư trong lĩnh vực khuyến nông. Làm ít mà chất lượng, hiệu quả cao, có ý nghĩa thì mức độ lan tỏa sẽ cao hơn”.