Pháp luật

Để không “sập bẫy” tội phạm trên không gian mạng

Hoàng Thanh 26/12/2023 05:35

Cuối năm là thời điểm các đối tượng xấu thường lợi dụng để lừa đảo, nhất là trên không gian mạng, người dân cần cảnh giác để không "sập bẫy".

Lừa đảo mua hàng

Công an TP. Gia Nghĩa vừa đấu tranh, triệt phá nhóm đối tượng chuyên lừa đảo bán hàng qua mạng xã hội. Đối tượng cầm đầu là Đàm Văn Tuyên (SN 1990), trú tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Để lừa đảo, nhóm đối tượng do Tuyên cầm đầu lập nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau rồi đăng thông tin bán các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp và một số mặt hàng khác. Để tạo niềm tin cho khách, Tuyên lên mạng internet tìm kiếm các hình ảnh liên quan đến các mặt hàng rao bán rồi gửi cho khách hàng.

Khi có người muốn mua hàng, Tuyên yêu cầu họ chuyển tiền đặt cọc qua tài khoản ngân hàng. Khi nhận được tiền cọc, Tuyên viện ra nhiều lý do để yêu cầu khách hàng tiếp tục chuyển tiền và hẹn ngày giao hàng cho khách. Nếu khách hàng không tiếp tục chuyển tiền thì Tuyên sẽ chặn liên lạc.

hinh-1a(1).jpg
Đối tượng Đàm Văn Tuyên tại cơ quan điều tra

Với thủ đoạn này, từ đầu năm 2021 đến ngày bị bắt 16/12/2023, Tuyên đã lừa đảo và chiếm đoạt tiền đặt cọc của hơn 3.100 người dân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với số tiền gần 12 tỷ đồng.

Trong đó, có anh Huỳnh Văn M, trú tại TP. Gia Nghĩa bị Tuyên lừa đảo chiếm đoạt gần 400 triệu đồng tiền cọc để mua heo giống; chị K.T.C, trú tại TP. Hà Nội trong lúc đi thăm người thân tại TP. Gia Nghĩa đã bị Tuyên lừa đảo chiếm đoạt 2,4 triệu đồng tiền đặt cọc mua gạo.

Trước đó, Công an huyện Đắk Mil đã bắt giữ 2 nhóm, 4 đối tượng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với thủ đoạn thông báo trúng thưởng, nhận quà tặng, bán hàng trên mạng xã hội, các đối tượng đã thực hiện hơn 70 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet với số tiền trên 4 tỷ đồng. Nạn nhân đến từ nhiều địa bàn như tại TP. Hồ Chí Minh, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Dương.

Một thủ đoạn khác, mới đây, chị N.T.H ở phường Nghĩa Thành. TP. Gia Nghĩa, cho biết, do có nhu cầu về quê dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chị đã chủ động tìm mua vé máy bay sớm. Qua một trang thông tin điện tử của một hãng bay chị đã đặt mua vé trước.

Tuy nhiên, kẻ gian đã giả mạo sử dụng trang mạng này để lừa tiền. Sau khi đặt cọc 5 triệu đồng, chị liên lạc với người này thì bị khóa máy. Sau đó chị H mới biết mình bị lừa.

Luôn đề cao cảnh giác

Hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, có những thủ đoạn mới xuất hiện nhằm đánh lừa các nạn nhân để chiếm đoạt tài sản.

Để phòng tránh "sập bẫy" tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, lực lượng công an đề nghị người dân cần thường xuyên theo dõi các phương thức, thủ đoạn của tội phạm do cơ quan chức năng thông báo trên các phương tiện, thông tin đại chúng. Từ đó, nhận diện được các chiêu thức ma mãnh của chúng để phòng tránh; đồng thời tố giác đến cơ quan chức năng.

Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch.

Mọi người không cho thuê, mượn các giấy tờ cá nhân có liên quan như: căn cước công dân, thẻ ngân hàng; không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.…

Theo Công an tỉnh Đắk Nông, hiện nay có 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng nhắm vào nhiều người, nhiều lứa tuổi. Các thủ đoạn lừa đảo dịp cuối năm chủ yếu như: lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo các công ty có uy tín để lừa bán hàng…

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Để không “sập bẫy” tội phạm trên không gian mạng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO