Để Đà Lạt giữ vững danh hiệu Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO
Tháng 10/2023, Đà Lạt chính thức được công nhận là thành viên tiếp theo của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc. Tại một cuộc toạ đàm tham vấn do UBND TP Đà Lạt tổ chức trong tháng 2/2025 vừa qua với sự có mặt của rất đông các đại biểu trong tỉnh và ngoài tỉnh, đã có không ít ý kiến đóng góp cho mục tiêu làm thế nào để Đà Lạt giữ vững danh hiệu Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO trong thời gian đến.
Bài 1:Cần tăng cường truyền thông một cách hiệu quả
Khi là một thành viên, Đà Lạt trước nhất cần thực hiện tốt các hoạt động thường xuyên mà Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO quy định.

• ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU
Phát biểu khai mạc tại buổi toạ đàm tham vấn với các chuyên gia, nhà quản lý văn hoá trong tỉnh và trong nước vào tháng 2/2025, ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết, việc TP Đà Lạt trong tháng 10/2023 chính thức được công nhận là thành viên tiếp theo của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của chính quyền và người dân TP Đà Lạt - Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung, mà đây còn là một bước tiến thuận lợi cho thành phố nhằm tạo điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực kinh tế, chính trị, trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa và giáo dục, góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh Đà Lạt rộng rãi ra thị trường quốc tế, cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững.
Đà Lạt theo ông Đặng Quang Tú, trong thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thành phố như là một trong những điểm đến của du lịch sáng tạo âm nhạc, là thành phố kết nối về âm nhạc của Việt Nam với quốc tế thông qua trao đổi kinh nghiệm và thực hành giữa các thành phố trong mạng lưới, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á. “Đây cũng được xem là tiền đề, hỗ trợ hiệu quả cho Đà Lạt trong việc đẩy mạnh đối ngoại văn hóa, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế gắn với phát triển du lịch địa phương, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho phát triển kinh - tế xã hội của thành phố”, ông Tú nhấn mạnh.

• NHỮNG NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN
Một danh mục các hoạt động thường xuyên để triển khai nhiệm vụ thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã được Đà Lạt lên kế hoạch triển khai cho giai đoạn 3 năm từ 2025 - 2027. Trước nhất là việc củng cố Ban Chỉ đạo, Ban Điều phối xây dựng Thành phố sáng tạo Âm nhạc UNESCO; phân công nhiệm vụ cụ thể, giám sát việc thực hiện kế hoạch ngành chuyên môn liên quan. Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm vận hành chính mọi hoạt động liên quan đến vai trò thành viên mạng lưới: nghiên cứu triển khai các sáng kiến, các hoạt động của mạng lưới, phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Đà Lạt cùng các thành viên khác; hỗ trợ các thành phố trong và ngoài nước tham gia mạng lưới.
Thành phố cũng cần mời tư vấn về âm nhạc, chính sách văn hóa, phát triển kinh tế, hợp tác quốc tế từ các đơn vị chuyên môn như: Học viện Âm nhạc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Cục Hợp tác quốc tế, Hội đồng Anh... nhằm định hướng phát triển và đánh giá lộ trình thực hiện.
Là thành viên, Đà Lạt cần tiếp tục tham dự các hoạt động do Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO và do các thành viên trong mạng lưới tổ chức; cử các đoàn công tác của thành phố tham gia, giữ mối liên hệ thường xuyên, cập nhật thông tin các hoạt động của các thành viên mạng lưới; tham gia Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các chương trình giao lưu, kết nối, hợp tác trong mạng lưới do UNESCO và do các thành viên tổ chức; đối thoại, học tập và hợp tác ngang hàng với các thành phố thành viên.
Đà Lạt cần có cơ chế, chính sách nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương; xây dựng Quỹ hỗ trợ sáng tạo nhằm tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, phát huy khả năng sáng tạo văn hóa, nghệ thuật tại địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc; xây dựng quy chế quản lý hoạt động âm nhạc đường phố và nghệ thuật công cộng theo quy định pháp luật nhưng vẫn đảm bảo phát huy sức sáng tạo của nghệ sĩ, đưa được nhiều loại hình nghệ thuật đến với công chúng.
Cần tiếp tục duy trì các tuyến đường đi bộ, tạo điều kiện cho không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật, âm nhạc đường phố phát triển gắn với đề án phát triển kinh tế đêm; xây dựng chính sách hỗ trợ lưu trú, sinh hoạt đối với các đoàn nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia các hoạt động của thành phố, tham gia các chương trình giao lưu văn hóa - nghệ thuật mang tính cộng đồng hoặc sự kiện chính trị, văn hóa lớn của thành phố và của tỉnh.
Một hoạt động quan trọng khác mà Đà Lạt cần thực hiện là kết nối các chủ thể sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc tại thành phố nhằm thành lập một mạng lưới đồng hành cùng chính quyền, triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ phát huy bền vững danh hiệu; góp ý, đề xuất, thảo luận các chủ trương, chính sách liên quan đến thành phố sáng tạo; xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp (về ngoại ngữ, về tổ chức sự kiện, lực lượng nhạc công, nghệ sĩ; hậu cần) cho các sự kiện lễ hội, chính trị quy mô quốc gia, quốc tế được tổ chức tại thành phố; liên kết đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, nâng cao năng lực của lực lượng hiện có của thành phố.
Một nhiệm vụ nữa quan trọng không kém, đó là Đà Lạt cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá; cập nhật và nâng cao chất lượng thông tin liên quan đến hoạt động sáng tạo âm nhạc, văn hóa, nghệ thuật trên các trang thông tin của thành phố, sử dụng hiệu quả các nền tảng mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông đại chúng trong việc thông tin, quảng bá; phát hành các ấn phẩm, đoạn phim ngắn, quà tặng có tính chất quảng bá, định vị thương hiệu Đà Lạt - Thành phố sáng tạo Âm nhạc UNESCO.
Tại cuộc tọa đàm gần đây, bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO Việt Nam cho rằng để đẩy mạnh công tác quảng bá, Đà Lạt bên cạnh xây dựng trang thông tin mạnh bằng tiếng Việt về thành phố sáng tạo âm nhạc, cần có thêm bản tiếng Anh, nếu được thêm cả tiếng Hàn vì lượng du khách Hàn đến Đà Lạt du lịch rất đông, để đưa thông tin ra ngoài nước tốt hơn.