ĐBQH Phạm Thị Kiều đề nghị chú trọng phục hồi và phát triển KT-XH

Đức Diệu| 01/06/2022 12:02

Hôm nay, 1/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV dành cả ngày để tập trung thảo luận tại hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 của Chính phủ.

Trong buổi sáng, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông đã tham gia thảo luận sâu một số nội dung liên quan.

Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông đã tham gia thảo luận tại hội trường

Về tổng thể, đại biểu Phạm Thị Kiều thống nhất và tán thành cao với nhiều nội dung trong các báo cáo trình bày tại kỳ họp này.

Đặc biệt, đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, cùng với sự phát triển toàn diện của đất nước, được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, nên công tác giảm nghèo, nhất là ở khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao đạt được nhiều thành công. Công tác giảm nghèo đã có những bước tiến mới, quan trọng, Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đạt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, giảm nghèo  của chúng ta vẫn thiếu tính bền vững và khả năng tái nghèo cao, vẫn còn tình trạng nghèo đói - thoát nghèo - tái nghèo. Bên cạnh đó, do tác động của đại dịch Covid-19, một bộ phận không nhỏ người dân sẽ bị tái nghèo cao. Vì vậy, đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, cần có giải pháp toàn diện lâu dài.

Chính phủ cần chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Gắn chặt chẽ với ba chương trình mục tiêu quốc gia.... Chính phủ cần báo cáo tổng thể công tác triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chậm chễ trong việc triển khai các chương trình quan trọng này.

Với nền kinh tế có độ mở cao như nước ta hiện nay, trước tình hình, cách thức phòng chống dịch Covid-19 của các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp... gây ảnh nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, giá nhiều mặt hàng tăng cao, đặc biệt là giá các mặt hàng như vật liệu xây dựng, vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp, xăng dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Đây là các yếu tố gây bất lợi cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp. Đây cũng là trở ngại lớn cho việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, đại biểu Phạm Thị Kiều trân đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhanh, khẩn trương và hiệu quả Nghị quyết 43 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, 2023.

Các đại biểu tập trung thảo luận tại hội trường, sáng 1/6

Vấn đề tự chủ và đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia trước mắt cũng như dài lâu phải cần phải đặc biệt quan tâm hơn nữa. Đồng thời, để đảm bảo thực hiện được các cam kết của Việt Nam với quốc tế, trong đó có cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) đòi hỏi cấp bách phải có các giải pháp một cách toàn diện để giải quyết. Việt Nam nói chung và Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng điện gió để thay thế các nguồn năng lượng truyền thống, phát thải nhiều các bon. Trong thời gian gần đây, có thể nói các nguồn năng lượng mới này đã và đang được phát triển mạnh ở nhiều nơi. Tuy nhiên, do các cơ chế, chính sách, pháp luật còn có những bất cập, chưa theo kịp với thực tế, chưa phù hợp với các vùng miền khác nhau, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chung, thậm chí gây điểm nóng về an ninh trật tự do khiếu kiện đông người, xung đột giữa người dân và doanh nghiệp...  Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật cho vấn đề này. Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn các máy móc, trang thiết bị, vật tư, công nghệ và cả chuyên gia trong lĩnh vực này nước ta đều phải nhập khẩu, thuê mướn từ nước ngoài. Do đó, cần định hướng chiến lược, dành nguồn lực đầu tư hợp lý để phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực để từng bước giảm phụ thuộc, tiến tới tự chủ trong lĩnh vực này.

Về đầu tư công, theo báo cáo của Chính phủ thì tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 16,36% kế hoạch được giao. Đáng nói, vẫn còn 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (0%) kế hoạch đầu tư vốn năm 2022. ...

Đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công của nước ta thời gian qua mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số bất cập như hệ số ICOR của khu vực nhà nước cao, việc chậm giải ngân vốn, còn tình trạng lãng phí, thất thoát rất lớn nguồn vốn nhà nước...  Cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành để vấn đề này một cách căn cơ trong thời gian tới.

Để triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương sớm giao kế hoạch vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế -xã hội của địa phương để kịp thời triển khai thực hiện. Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho tỉnh một số dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng, liên vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đảm bảo mục tiêu đột phá của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025.

Đại biểu Phạm Thị Kiều cũng đề xuất Chính phủ Bổ sung danh mục bố trí kế hoạch vốn để đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 28 đoạn Gia Nghĩa – Quảng khê và một số dự án quan trọng khác mà tỉnh đã có các văn bản báo cáo, đề xuất với Trung ương.

Thay mặt cử tri Đắk Nông đại biểu Phạm Thị Kiều cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe, chia sẻ và ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 2 và đã có những điều chỉnh kịp thời những hạn chế, bất cập trong chính sách đối với giáo viên vùng cao của tỉnh; tạo cơ chế, chỉ đạo định hướng để triển khai hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước trên địa bàn Đắk Nông và khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Phạm Thị Kiều đề nghị chú trọng phục hồi và phát triển KT-XH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO