Tham gia thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và đánh giá cao quá trình chuẩn bị, tiếp thu ý kiến tại các cuộc thảo luận, góp ý dự thảo của Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở |
Tuy nhiên, để góp phần tiếp tục hoàn thiện nội dung của dự thảo, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị xem xét lại tính phù hợp, sự thống nhất của dự thảo Luật này đối với Luật Doanh nghiệp khi sử dụng cụm từ gọi chung là doanh nghiệp đối với hợp tác xã, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo.
Về xử lý vi phạm tại khoản 2 Điều 8 của dự thảo, hiện nay, quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật từ hành chính, dân sự, hình sự được quy định khá đầy đủ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định ngắn gọn, lược bỏ những nội dung không cần thiết, trùng lặp, như sau:
“Cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thi hành nhiệm vụ, công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, pháp luật về dân sự và tố tụng dân sự, pháp luật hình sự và tố tụng hình sự”.
Về văn bản của cộng đồng dân cư được quy định tại Điều 18 của dự thảo, trên cơ sở đã xác định hình thức văn bản của cộng đồng dân cư là nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận. Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị bổ sung các mẫu văn bản tương ứng với hình thức của văn bản (có thể quy định tại dự thảo Luật hoặc văn bản hướng dẫn) để cộng đồng dân cư áp dụng thống nhất, dễ dàng tiếp cận; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất khi ban hành các quyết định của cộng đồng dân cư, bởi khả năng trình bày, diễn đạt văn bản của những người làm công tác này tại cơ sở còn có hạn chế nhất định.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, sáng 14/6 |
Về nội dung hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo khoản 3 Điều 36 của dự thảo, đại biểu cơ bản thống nhất với các quy định. Tuy nhiên, để phát huy tính sáng tạo trong cách thức tổ chức, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị, đề nghị bổ sung một điểm tại khoản này về các nội dung khác do Thủ trưởng cơ quan và Ban Chấp hành Công đoàn quyết định.
Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị cân nhắc, điều chỉnh nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã tại khoản 2 Điều 60 và Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước tại khoản 2 Điều 62 từ 02 năm lên 05 năm để đảm bảo xuyên suốt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tránh xáo trộn không cần thiết, giảm bớt số lượng lần bầu; đồng thời, để thống nhất với nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và Công đoàn.
Đối với trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở 2 năm một lần theo điểm b khoản 2 Điều 68 của dự thảo, Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cân nhắc quy định việc theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo được thực hiện hàng năm thay vì 2 năm như dự thảo để việc triển khai thi hành Luật nghiêm túc, đánh giá sát, đúng quá trình thực hiện, có cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời.