ĐBQH Dương Khắc Mai: Dự án Luật Viễn thông cần bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo
ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo đối với các Luật có liên quan.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự Luật Viễn Thông (sửa đổi).
Tham gia thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đánh giá cao việc Cơ quan soạn thảo đã tích cực phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp thu, hoàn thiện dự thảo trên cơ sở góp ý của các vị ĐBQH tại kỳ họp thứ 5.
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu dự án Luật để đảm bảo tính phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo đối với các Luật có liên quan, nhất là các Luật: Quản lý, sử dụng tài sản công; Đấu giá tài sản (hiện đang cho ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 6); Luật Công nghệ thông tin và các luật có liên quan về quốc phòng, an ninh (trong đó có các luật sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6). Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định chuyển tiếp, cụ thể việc sửa đổi các luật có liên quan theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về công trình viễn thông, đại biểu đề nghị cần rà soát, bảo đảm việc lắp đặt công trình viễn thông trên trụ sở công phải bảo đảm an toàn an ninh cho cơ quan, tổ chức quản lý trụ sở, tài sản công. Việc lắp đặt các trạm thu phát sóng vô tuyến phải an toàn và bảo đảm sức khỏe cho người dân xung quanh, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động, thiết bị, cơ sở vật chất của các cơ quan Nhà nước, đơn vị, người dân. Dự án Luật cũng cần bổ sung các quy định về trách nhiệm quản lý công trình viễn thông, loại tài sản được lắp đặt công trình viễn thông, quyền và lợi ích được hưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có công trình viễn thông lắp đặt bảo đảm tính hợp lý, công bằng.
Về chi tiết, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị tại khoản 25 Điều 3 dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu hơn đối với những nội dung “sở hữu hoặc sở hữu phần lớn”; đồng thời, cần làm rõ hơn tính chất “thiết yếu” của loại cơ sở hạ tầng này, không phải cứ do một hoặc một số doanh nghiệp viễn thông sở hữu hoặc sở hữu phần lớn trên thị trường viễn thông và việc thiết lập mới bộ phận cơ sở hạ tầng này để thay thế không khả thi về kinh tế, kỹ thuật thì đã là thiết yếu.
Cơ quan soạn thảo bỏ nội dung “Chính phủ quy định tiêu chí xác định thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, tiêu chí xác định doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý” quy định tại Khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật. Bởi vì nội dung này đã được quy định tại Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018 về Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, dựa trên các tiêu chí “sức mạnh thị trường đáng kể” và “thị phần trên thị trường liên quan”. Các tiêu chí, yếu tố nêu trên đã đủ để áp dụng nhằm xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả lĩnh vực viễn thông. Vì vậy, đề nghị bỏ quy định này để thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành.