ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Đ.D| 02/11/2022 18:47

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 2/11, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 2/11

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng, qua  đối chiếu với các văn bản có liên quan như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật bảo vệ bí mật Nhà nước... nhận thấy có nhiều nội dung trong Nội quy này quy định lại những nội dung đã có trong các văn bản nêu trên. Vì vậy, kiến nghị chung của đại biểu Trần Thị Thu Hằng là cơ quan soạn thảo cần rà soát lại, bỏ những nội dung này trong Nội quy, nếu có chỉ quy định cụ thể, chi tiết hơn những nội dung chưa rõ để dễ triển khai thực hiện.

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 3, dự thảo Nội quy quy định về việc đại biểu Quốc hội có trách nhiệm báo cáo trong trường hợp không thể tham dự phiên họp tại kỳ họp. Với quy định trên sẽ không linh hoạt, và có thể phát sinh những công việc đột xuất nên đại biểu cũng không biết trước sẽ vắng mặt tổng số buổi là bao nhiêu. Do đó, để đảm bảo sự linh hoạt, thuận lợi trong điều hành của Chủ tịch Quốc hội, cần chỉnh sửa lại quy định trên theo hướng: chỉ trong trường hợp đại biểu Quốc hội vắng mặt “2 ngày liên tục trở lên”  tại  kỳ họp mới do Chủ tịch Quốc hội quyết định; đồng thời bổ sung quy định cụ thể về thời hạn đại biểu gửi văn bản đến Trưởng đoàn và Tổng Thư ký để Chủ tịch Quốc hội có thời gian quyết định cho phép hoặc không cho phép vắng mặt trong thời hạn nhằm bảo đảm đại biểu có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp.

Đối với quy định về người được mời tham dự kỳ họp, dự thính tại phiên họp Quốc hội, tại khoản 5, Điều 5 của dự thảo Nội quy cần quy định rõ về những phiên họp mà công dân được dự thính; số lượng và thành phần được mời. Đây cũng là dịp để Nhân dân giám sát trực tiếp hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội. Đồng thời, đề nghị giao Tổng thư ký Quốc hội quy định về việc khách đến thăm quan Nhà Quốc hội, dự các phiên họp của Quốc hội trong thời gian Quốc hội đang họp để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn kỳ họp Quốc hội.

ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng góp ý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) cần rà soát, loại bỏ những nội dung chồng chéo với các văn bản, quy định hiện hành

Về chương trình kỳ họp Quốc hội: theo khoản 2, Điều 6 dự thảo Nội quy: “Dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp bất thường”. Việc xin ý kiến hiện nay chỉ mang tính hình thức, vì thực tế từ trước đến nay tất cả chương trình dự kiến ban đầu gửi xin ý kiến cả về thời  gian, nội dung đều có sự sai khá lớn so với dự kiến chương trình thông qua tại phiên trù bị của các kỳ họp Quốc hội. Nguyên nhân chính là do công tác chuẩn bị tài liệu không đảm bảo. Vì vậy, theo đại biểu chỉ nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội dựa trên tình hình thực tế, trao đổi, thống nhất với các cơ quan, tổ chức hữu quan dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp trù bị.

Về tài liệu phục vụ kỳ họp, quy định tại Điều 7 dự thảo Nội quy: Theo quy định trong Nội quy hiện hành, các dự án luật, dự thảo nghị quyết, dự án khác phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội; các tài liệu khác phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề này còn chưa được thực hiện nghiêm túc, còn rất nhiều nội dung đến sát ngày họp mới gửi đến đại biểu Quốc hội. Vì vậy, đại biểu không có thời gian nghiên cứu và trong dự thảo lần này không có quy định về thời gian gửi các loại tài liệu này cho đại biểu Quốc hội. Do đó, cần có quy định cụ thể về thời gian, chế tài cụ thể, mạnh mẽ hơn để tài liệu phải được gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn. Có như vậy mới giúp đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu tài liệu để đóng góp hiệu quả hơn vào các quyết định của Quốc hội. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ, theo sát cơ quan soạn thảo trong việc xây dựng các dự án, dự thảo. Trừ các trường hợp đặc biệt, cấp bách, kiên quyết không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn; không bố trí vào chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội những dự án, dự thảo được đề nghị bổ sung sát phiên họp, kỳ họp; hạn chế tối đa việc xem xét, cho ý kiến về nội dung đồng thời với việc quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Về lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến quy định tại Điều 10, dự thảo Nội quy cần quy định các nội dung phiếu xin ý kiến phải bao quát được những khía cạnh của vấn đề cần xin ý kiến; kết hợp với việc quy định cụ thể thời gian từ khi gửi phiếu xin ý kiến đến khi gửi lại phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội để đại biểu có thời gian nghiên cứu, cho ý kiến chất lượng cao hơn. Riêng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xin ý kiến đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu hoàn thiện hơn, tiến tới không sử dụng văn bản giấy (trừ các vấn đề đề mang nội dung mật).

Về thảo luận tại phiên họp toàn thể (Điều 18, của dư thảo Nội quy): Tại điểm d, khoản 2, để đảm bảo tính linh hoạt, đại biểu Hằng đồng ý với quy định “căn cứ nội dung và tình hình thảo luận thực tế, Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể mời đại biểu phát biểu không theo thứ tự đăng ký”. Tuy nhiên, để đảm bảo cơ hội được phát biểu bình đẳng giữa các đại biểu, đại biểu đề nghị phải quy định rõ việc này chỉ thực hiện đối với các nội dung thảo luận cần nắm bắt ý kiến rộng rãi các địa phương trong cả nước như các thảo luận về kinh tế xã hội, dự toán ngân sách, giám sát tối cao, chất vấn... Việc này cũng phải thực hiện xin ý kiến của Quốc hội ngay từ đầu phiên thảo luận, tránh tình trạng thực hiện vào gần cuối phiên như thời gian vừa qua gây tâm lý không công bằng đối với nhiều đại biểu. Đồng thời, nhằm tránh tình trạng đăng ký tranh luận để phát biểu trước, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về trường hợp yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận là “đăng ký tranh luận để được phát biểu trước mà không có nội dung tranh luận”.

Tại khoản 2, Điều 30 của dự thảo Nội quy này cũng cần bổ sung quy định về thời hạn gửi hồ sơ trình Quốc hội về nhân sự để bảo đảm đại biểu Quốc hội có đủ thời gian nghiên cứu trước khi biểu quyết.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/dbqh-dak-nong-tran-thi-thu-hang-thao-luan-ve-du-thao-nghi-quyet-ban-hanh-noi-quy-ky-hop-quoc-hoi-sua-doi-95853.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/dbqh-dak-nong-tran-thi-thu-hang-thao-luan-ve-du-thao-nghi-quyet-ban-hanh-noi-quy-ky-hop-quoc-hoi-sua-doi-95853.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO