Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa

Đức Diệu 26/06/2024 15:24

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 26/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận dự án Luật này.

Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng về phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1, dự thảo Luật đã gộp toàn bộ nội dung tại Điều 1, Điều 2 của Luật Di sản văn hóa hiện hành.

Toàn 26
Phiên thảo luận tại hội trường ngày 26/6

Tuy nhiên, nội dung này chưa thực sự phù hợp. Tại Khoản 1, Điều 1 (kế thừa từ Điều 1 Luật hiện hành) có nêu: Di sản văn hóa quy định tại Luật này bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quy định này mang tính giải thích từ ngữ và không thuộc nội dung của phạm vi dự thảo. Vì vậy, đại biểu Hằng đề nghị đánh giá thêm quy định tại Khoản 2 Điều này để xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật cho phù hợp, bao quát.

Hằng 26
ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng đề xuất phân nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo về nhiệm vụ chi thường xuyên còn chi đầu tư phát triển thì phục vụ các nhiệm vụ phát huy, phát triển di tích

Đối với các chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa (quy định tại Điều 7), trong dự thảo Luật tập trung đề cập đến hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; phát triển, huy động các nguồn lực như nhân lực, ngân sách để đạt hiệu quả cao nhất cho hoạt động này. Đại biểu hoàn toàn tán thành vì đó là mục tiêu chính khi ban hành luật. Bên cạnh đó, đại biểu Hằng đề nghị bổ sung một số chính sách liên quan đến nhân tố thụ hưởng như: chế độ miễn phí đối với các chủ thể đặc biệt khi tham quan các công trình được công nhận là di tích lịch sử quốc gia như người có công với cách mạng, học sinh, sinh viên, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, phái đoàn ngoại giao, ... Vì mục đích chính của hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là hướng đến giữ gìn, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; có mối liên hệ mật thiết với Luật Giáo dục, Luật Trẻ em trong khuyến khích bảo tồn giá trị văn hóa, kiến thức lịch sử, hình thành nhân cách thế hệ con người Việt Nam thời kỳ mới.

Đại biểu 26
Đại biểu tham dự phiên thảo luận

Về ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: Khoản 1, Điều 81quy định các nhiệm vụ thuộc chi thường xuyên còn Khoản 2, Điều 81 quy định các nhiệm vụ thuộc chi đầu tư phát triển. Tại 2 nguồn chi này trùng lắp cùng 1 nhiệm vụ là tu bổ di tích. Từ thực tiễn chi ngân sách Nhà nước thời gian qua, tôi đề nghị cần phân định rõ ràng nhiệm vụ “tu bổ” thuộc về chi thường xuyên hay chi đầu tư phát triển để tránh đùn đẩy khi thực hiện, phát sinh những vướng mắc khi phân bổ kinh phí như lãng phí ngân sách, kéo dài thời gian,... Đại biểu Hằng đề xuất phân nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo về nhiệm vụ chi thường xuyên còn chi đầu tư phát triển thì phục vụ các nhiệm vụ phát huy, phát triển di tích.

Về sử dụng, khai thác di sản văn hóa (quy định tại Điều 89 dự thảo Luật). Khoản 3, Điều 89 quy định sản phẩm phái sinh từ di sản văn hóa để phục vụ mục đích kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch và phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa thì được cấp giấy phép của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 4, Điều 50 và Điều 61 Luật này. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu, rà soát điều khoản liên quan tôi lại nhận thấy tại Khoản 5, Điều 50 (bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia) lại yêu cầu sản phẩm phái sinh phải có thêm tiêu chuẩn về mục đích, đối tượng thì mới được cấp giấy phép. Đề nghị đối chiếu để tránh các quy định bị mâu thuẫn, dẫn tới không thực hiện được.

    Nổi bật
        Mới nhất
        ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO