Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng: "Hiến kế" 6 nội dung cho dự án Luật Giao thông đường bộ

Đức Diệu 25/11/2023 07:43

Tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ vào ngày 24/11 (Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV), ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng thảo luận sâu 6 nhóm nội dung liên quan đến dự án luật này.

Ban hành luật là cần thiết

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng bày tỏ quan điểm: dự thảo Luật Đường bộ trình ký họp Quốc hội lần này để thay thế cho Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ. Dự án luật được xây dựng còn thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ; đặc biệt là các quy định về cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đường bộ; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

24_11_sang_hoi-truong-1-(1).jpeg
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường ngày 24/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Dự án Luật khi có hiệu lực thi hành sẽ trở thành khung pháp lý vững chắc cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh trong nước cũng như hòa nhập vào quỹ đạo chung của khu vực và quốc tế.

Với tính cần thiết và cấp thiết đó, đại biểu Hằng cho rằng cần thảo luận sâu, kỹ lưỡng để hoàn chỉnh và sớm thông qua dự án Luật để áp dụng vào thực tiễn.

Tránh gây lãng phí không đáng có khi thực thi

Thảo luận sâu các nội dung liên quan, ĐBQH Trần Thị Thu Hằng nhấn mạnh đến một số nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh trên tinh thần hạn chế những tác động tiêu cực phát sinh không đáng có về kinh tế và đời sống người dân.

hang-ngay-24(1).jpg
ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng: Giữ nguyên những tên gọi đã có trên tuyến đường cũ, không đổi sang tên khác nhằm bảo đảm tính ổn định, tránh khó khăn, lãng phí nguồn lực khi thực hiện chuyển đổi (Ảnh: Lệ Quyên)

Thứ nhất, theo đại biểu Hằng, tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 14/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch xây dựng đường tuần tra biên giới đất liền giai đoạn 2006 – 2010 và những năm tiếp theo”, trong đó có giao cho địa phương quản lý đường tuần tra biên giới và một số địa phương giao cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đường bộ chưa đề cập đến hệ thống đường tuần tra biên giới và cơ quan quản lý đường bộ là đơn vị lực lượng vũ trang Nhân dân theo quy định tại Điều 75 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Thứ hai, trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sau khi tách thành 2 luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì có phát sinh một số nội dung liên quan đến 5 cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ và 9 cơ sở dữ liệu trật tự, an toàn giao thông đường bộ (trong cả 2 dự thảo luật có khoảng 14 cơ sở dữ liệu). Khi 2 dự thảo luật có hiệu lực thi hành thì phải tiến hành xây dựng thống nhất trên toàn quốc các cơ sở dữ liệu này. Điều này đáp ứng việc cải tiến thủ tục hành chính và nhu cầu chuyển đổi số. Tuy nhiên nguồn lực về trang thiết bị, nhân lực, kinh phí,… hiện tại của nước ta có thể đảm đương cập nhật được 14 cơ sở dữ liệu hay không?. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát để đưa ra lộ trình phù hợp. Đồng thời, ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng 2 dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để tránh các nội dung quy định chồng lấn.

Thứ ba, kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền tự do đi lại của người dân và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đời sống Nhân dân. Do đó cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ và kiểm soát kỹ thuật, tải trọng phương tiện, xây dựng và bảo trì công trình đường bộ. Trong mọi hoạt động liên quan đến đường bộ như xây dựng, quản lý, bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng; tổ chức giao thông; quản lý vận tải... đều phải hướng đến mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trên thực tế hiện nay còn tồn tại quá nhiều tình trạng triển khai xây dựng các công trình đường bộ và công trình có liên quan không đồng bộ gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, lãng phí nguồn lực, mất cảnh quan đô thị. Việc làm đường trước mới làm đường điện, cáp viễn thông, cống thoát nước, hành lang đường sẽ làm mặt đường bị đào xới, cắt xẻ liên tục, gây hư hỏng đường, xuống cấp, không còn đạt được thông số kỹ thuật như ban đầu. Đề nghị cần có quy định cụ thể về việc phối hợp giữa các ngành có liên quan trong xây dựng, quản lý, bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng đường bộ để góp phần giải quyết triệt để vấn đề này trong thời gian tới.

Thứ tư, thời gian qua, khi quy hoạch các khu dân cư, khu đô thị, chính quyền địa phương thường áp dụng đặt tên đường theo tên người có công với đất nước qua các thời kỳ lịch sử, thể hiện được lòng biết ơn của thế hệ sau, niềm tự hào dân tộc nhưng có trường hợp thay thế tên cũ bằng tên mới. Do đó, đề nghị cần bổ sung quy định tại Điều 14 dự thảo Luật theo hướng giữ nguyên những tên gọi đã có trên tuyến đường cũ, không đổi sang tên khác nhằm bảo đảm tính ổn định, tránh khó khăn, lãng phí nguồn lực khi thực hiện chuyển đổi, nhất là khi người dân phải thực hiện thủ tục hành chính có liên quan đến địa chỉ tên đường. Dự thảo Luật cũng cần có quy định cụ thể về các lựa chọn, sử dụng đặt tên đường, vì các danh nhân lịch sử thời phong kiến thường có tên húy và tên theo tước hiệu (ví dụ: Quang Trung - Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo - Trần Quốc Tuấn) nhưng một số địa phương thường sử dụng cả 2 tên của 1 người cho 2 tuyến đường trên cùng một địa bàn trong khi hiện nay ngân hàng tên đường rất phong phú.

Thứ năm, đề nghị ban soạn thảo rà soát lại khoản 4, 5 Điều 17 (Phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ) để điều chỉnh, bổ sung như sau: “4. Sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ chồng lấn với hành lang bảo vệ đê điều, hành lang bảo vệ đường sắt, công trình thủy lợi phải tuân thủ quy định của Luật Đê điều, Luật Đường sắt, Luật Đất đai, Luật Thủy lợi và Luật này”.

Thứ sáu, vấn đề ách tắc, ùn nghẽn giao thông hiện nay tại các tuyến đường chính giờ cao điểm một số thành phố lớn mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng chưa thực sự giải quyết ổn thỏa thuận. Để phù hợp với Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và yêu cầu thực tiễn; kế thừa quy định của khoản 2 Điều 5 Luật hiện hành đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn. Một số quốc gia trên thế giới cũng đã áp dụng hình thức này, vừa giảm thiểu ùn tắc giao thông vừa góp phần bảo vệ môi trường. Từ đó tiến đến áp dụng hoạt động vận tải đưa đón cán bộ, công nhân tại các khu công nghiệp, đưa đón học sinh để phù hợp với tình hình thực tiễn của xã hội và bảo đảm các quy định về an toàn đối với loại hình hoạt động này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng: "Hiến kế" 6 nội dung cho dự án Luật Giao thông đường bộ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO