ĐBQH Đắk Nông thảo luận về dự thảo tờ trình, nghị quyết
Tiếp tục ngày làm việc đầu tiên, đợt 2, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 20/11, các đại biểu thảo luận ở hội trường dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Tham gia thảo luận, Đoàn ĐBQH Đắk Nông có 2 lượt ý kiến sâu về các tờ trình, dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình.
ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai: Quy định rõ thời gian áp dụng của nghị quyết
Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH Đắk Nông thống nhất cao với việc Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Về nội dung nghị quyết, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, Dự thảo Nghị quyết quy định cách tính “lợi nhuận tính thuế bổ sung” , “thu nhập ròng theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu”, “giá trị tài sản hữu hình và tiền lương theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu” tại các khoản 6, 7, 8 còn chung chung, chưa rõ ràng về dẫn chiếu đến quy định thuế tối thiểu toàn cầu.
Trong khi đó “Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu” này có thể thường xuyên thay đổi theo yêu cầu của OECD. Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ cần bảo cáo rõ, nghiên cứu quy định hướng nội, luật hóa nội dung các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại Dự thảo Nghị quyết để bảo đảm thi hành.
Đại biểu nhất trí việc giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này (khoản 10) để bảo đảm phù hợp với sự thay đổi của OECD. Tuy nhiên, hiện Chính phủ chưa có Dự thảo Nghị định quy định chi tiết kèm theo nên chưa rõ Chính phủ sẽ quy định như thế nào về vấn đề này?
Tương tự, tại Điều 5 của dự thảo Nghị quyết cũng dẫn chiếu đến “Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu” tại các khoản 1, 5, 7, 8, 10, 11 và 12.
Về điều khoản thi hành (Điều 8 của Dự thảo Nghị quyết), đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị chỉ quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024; không quy định áp dụng “… cho đến ngày Nghị quyết này được thay thế bởi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp”. Vì quy định này không rõ thời gian áp dụng của Nghị quyết là bao lâu, do chưa rõ khi nào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được xem xét, thông qua.
Đại biểu Phạm Thị Kiều: Đánh giá lại tình hình thực tế hiện nay để có quy định về phạm vi áp dụng việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Góp ý Tờ trình của Chính phủ về việc “Giảm thuế giá trị gia tăng” và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều cũng tán thành với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, góp phần giảm giá hàng hóa dịch vụ, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, đại biểu Kiều cho rằng phạm vi áp dụng của Dự thảo Nghị quyết như phạm vi áp dụng của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế - xã hội (gọi tắt là Nghị quyết số 43). Theo đó, bối cảnh ban hành Nghị quyết số 43 là thời điểm của dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Vì vậy, Nghị quyết số 43 chỉ giảm thuế giá trị gia tăng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10% (loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng trong năm 2022).
Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi, nhiều ngành, lĩnh vực không được giảm thuế theo Nghị quyết số 43 cũng đang rất khó khăn, như kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán…. Vì vậy, đề nghị cần có đánh giá lại tình hình thực tế hiện nay để có quy định về phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp.
Tại khoản 2, Điều 2 quy định: “sau ngày 30/6/2024, giữa 2 kỳ họp Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Quy định như trên là chưa đúng với Điều 70 Hiến pháp năm 2013, tức là Quốc hội có thẩm quyền “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. Vì vậy, đại biểu Phạm Thị Kiều tán thành với ý kiến được nêu tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách là “Trong trường hợp Chính phủ đến thời điểm giữa năm 2024 mới xác định rõ nhu cầu cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho nửa cuối năm 2024 thì đề nghị bảo đảm các quy trình thủ tục ban hành văn bản pháp luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV”.