Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông thảo luận về các báo cáo, dự án luật

Đức Diệu 26/05/2023 17:42

Trong phiên làm việc buổi chiều ngày 26/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, một trong những nội dung được cử tri quan tâm là thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

ADQuảng cáo

Đại biểu Dương Khắc Mai: Sớm di dời đường điện 500 kw ra khỏi TP. Gia Nghĩa

Tham gia thảo luận về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cơ bản tán thành và thống nhất cao về các nội dung nêu tại Báo cáo số 468/UBTVQH15 ngày 17/5/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV”.

doan-dak-nong(1).jpg
Đoàn ĐBQH Đắk Nông (hàng ghế thứ 3) tham gia tại phiên họp

Đặc biệt, Báo cáo đã thẳng thắn chỉ ra được những tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp trong công tác giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri đối với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội và địa phương.

Trước đó, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; có 2.589 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8%.

Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng các văn bản trả lời của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương đều được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi đến Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN các cấp và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh để đông đảo người dân theo dõi và giám sát. Đồng thời, đây là tư liệu để các đại biểu Quốc hội trả lời, giải thích cho cử tri địa phương trong các đợt tiếp xúc cử tri tiếp theo. Do đó, khi ban hành văn bản, các cơ quan cần rà soát kỹ thông tin, cung cấp nội dung trả lời chính xác, nhất là về số liệu ngày tháng, các số liệu thống kê…

mai(1).jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Thời gian qua, đối với nhóm ý kiến cử tri địa phương chuyển đến Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan đã có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất trong trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri nên việc trả lời mang tính kịp thời, toàn diện. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan về chung một vấn đề kiến nghị cần có sự phối hợp trả lời, tránh trường hợp câu hỏi được trả lời một phần hoặc không toàn diện, bao quát hết vấn đề được hỏi.

Phần lớn văn bản trả lời của các Bộ, ngành trả lời bám sát câu hỏi, đúng quy định pháp luật, có trích dẫn cơ sở pháp lý, nội dung, số liệu chuyên ngành chi tiết, rõ ràng; tập trung đưa ra giải pháp, hướng giải quyết ý kiến, kiến nghị cho cử tri. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số văn bản trả lời mang tính cung cấp thông tin khái quát chung; hướng tiếp cận vấn đề tập trung cho việc sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung vào các quy định pháp luật trong thời gian tới nên chưa giải quyết triệt để vấn đề vướng mắc, bức xúc trong hiện tại. Việc trả lời “đã có đề xuất” hoặc “sắp tới sẽ” mà không có lộ trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng khiến cử tri tiếp tục có kiến nghị, gây khó khăn cho quá trình theo dõi, giám sát của đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH.

Về kiến nghị của cử tri thành phố Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông; cử tri thành phố Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị nhiều lần về việc di dời đường dây truyền tải điện 500 kw hiện đang đi cắt ngang, chính giữa thành phố này ra khỏi thành phố nhằm tạo điều kiện cho thành phố có thêm không gian phát triển KTXH, đảm bảo mỹ quan của thành phố, đặc biệt bảo đảm an toàn cho sức khoẻ, đời sống sinh hoạt của người dân (vì đã có nhiều cử tri phản ánh khi trời mưa đi qua những nơi đường điện đi trũng, thấp gần mặt đường thì bị giật, gây tê tay ở mức độ khác nhau khi lái xe gắn máy.. Vì vậy nhân buổi thảo luận hôm nay tôi trân trọng kiến nghị chính phủ tiếp tục chỉ đao để các bộ, nghành liên quan sớm có kế hoạch di dời đường truyền tải điện 500 kw như nêu trên ra khỏi tp phố Gia Nghĩa.

Đại biểu Phạm Thị Kiều: Quan tâm đến người tiêu dùng

Trước đó, vào phiên làm việc buổi sáng 26/5, kỳ họp thứ 5 đã thảo luận tại hội trường trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

kieu-ngay-26(1).jpg
Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Tham gia thảo luận dự án luật này, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng: Đối với các quy định tại mục 1 chương 3 giao dịch từ xa, đề nghị rà soát, quy định các nội dung liên quan đến giao dịch điện tử như giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa tại Điều 38; giao dịch trên không gtian mạng tại điều 39 cho phù hợp, thống nhất với quy định tại dự thảo luật giao dịch điện tử sửa đổi.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm tính đồng bộ với một số luật hiện hành như: Luật Thương mại, Luật Chất lượng sản phẩm, Luật Hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm…

Tại điều 56, 57 dự thảo Luật về vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lượi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ là hỗ trợ, chuyển yêu cầu của người tiêu dùng đến tổ chức, cá nhân kinh doanh được yêu cầu thương lượng. Trong khi đó, người tiêu dùng luôn là đối tượng yếu thế, hiểu biết về pháp luật hạn chế hơn so với tổ chức kinh doanh nên quá trình thương lượng dễ bị bất lợi. vì vậy, trong quá trình thương lượng, cần thiết phải có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đóng vai trò bên trung gian, giải thích luật, chứng kiến để quá trình thương lượng được khách quan, minh bạch. Ngoài ra, trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cố tình không tiến hành thương lượng mà không có lý do chính đáng, dù đã có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lượi người tiêu dùng không thực hiện đúng quy định vể trình tự, thủ tục thương lượng thì xử lý thế nào. Nếu không có chế tài xử lý thì liệu quy định này liệu có khả thi, hiệu quả áp dụng trên thực tế?...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Đắk Nông thảo luận về các báo cáo, dự án luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO