Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Đức Diệu 21/06/2023 19:46

Tiếp tục chương trình làm việc, hôm nay, ngày 21/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham gia thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhấn mạnh: Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã, đang và sẽ vẫn là vấn đề lớn, nổi cộm, phát sinh nhiều vấn đề, là bài toán, phép tính không hề dễ dàng và đôi khi là thách thức đối với các cấp có thẩm quyền, là mối quan tâm lớn của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Dương Khắc Mai tham gia 2 ý kiến cụ thể về dự án Luật này.

toan-canh-ngay-21(1).jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 21/6

Trước hết cần xác định thu hồi đất có phải là trưng mua quyền sử dụng đất?

Đại biểu Mai cho rằng, theo Điều 32 và Điều 51 Hiến pháp 2013: Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường. Như vậy, kết hợp nội dung về tài sản và thu hồi đất, để làm rõ việc thu hồi đất theo quy định của Hiến pháp theo hình thức nào cần phải xác định rõ. Thứ nhất, tài sản của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa; thứ hai, chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

Tại khoản 4 Điều 54, Hiến pháp quy định: Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai. Khoản 3 Điều 54 quy định: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Như vậy, cần phải làm rõ quy định của Hiến pháp theo hướng: Nhà nước chỉ có 2 phương thức để lấy đi tài sản, quyền tài sản của người dân là qua trưng mua và trưng dụng. Trung dụng đất thì đã rõ; còn trưng mua thì chưa được pháp luật đất đai quy định rõ, mà hiện tại chúng ta quy định dưới hình thức thu hồi đất và trên thực tế thì việc thu hồi đất và cả tài sản trên đất như nhà ở với nguyên nghĩa là tài sản cũng được thực hiện theo thu hồi đất và có bồi thường. Trong khi theo Bộ luật dân sự (Điều 105), tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tại Điều 115 quy định: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với quyền sử dụng đất. Tại Nghị quyết 18 của Trung ương cũng khẳng định rõ: Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ.

mai-21(1).jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai: Thu hồi đất, trước hết cần xác định thu hồi đất có phải là trưng mua quyền sử dụng đất?

Liệt kê các trường hợp bị thu hồi đất và những loại trừ đã thực sự rõ ràng?

Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng việc giải thích lợi ích công cộng trong việc thu hồi đất, quá ít loại trừ sẽ dẫn đến việc mở rộng nội hàm của lợi ích công cộng và ngược lại. Vì vậy, chúng ta nên kết hợp cả hai phương pháp để xác định lợi ích công cộng, đây cũng là kinh nghiệm của của một số nước như Đức, Mỹ.

Việc thu hồi đất vì mục đích công cộng nên giới hạn và loại trừ cụ thể, để trả lời câu hỏi này cần xác định ai sẽ là người sử dụng đất tiếp theo? Nếu là nhà nước và những tổ chức nằm trong bộ máy do nhà nước ủy quyền và toàn bộ người dân sử dụng thì được xác định là mục đích công cộng, ví dụ: làm đường giao thông, an ninh năng lượng, công viên, sân bay, nhà ga, bến cảng, trường học, bệnh viện công... Nếu sau khi thu hồi đất, người sử dụng đất tiếp theo không có yếu tố nhà nước (trong đó có doanh nghiệp tư nhân) hoặc do các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thì phải xác định đó là ngoài mục đích công cộng, ví dụ như để xây dựng các khu đô thị, Trung tâm thương mại, nhà ở thương mại, tòa nhà văn phòng, sân golf/ điểm du lịch, nghỉ dưỡng, khai thác khoáng sản ...

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp cận theo hướng minh bạch hơn, đó là quy định rõ tại khoản 4 Điều 79 các trường hợp phải thực hiện theo Điều 127 dự thảo Luật, cụ thể các trường hợp mà chủ đầu tư phải thực hiện thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, không nên chỉ dùng phương pháp loại trừ mà cuối cùng là không rõ trừ trường hợp nào.

Việc thực hiện chính sách theo phương thức thỏa thuận với người có quyền sử dụng đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay đã có 3.691 dự án với diện tích là 105 nghìn ha đất (trong đó dự án đã thỏa thuận được chiếm tỷ lệ 91,98% và số dự án không triển khai được là 8,2%) chứng tỏ đây là phương thức không phải là không phù hợp và đã hạn chế tối đa các khiếu kiện phát sinh về đất đai. Vì vậy, đề nghị cần quy định rõ khoản 4 Điều 127 dự thảo Luật về chính sách khuyến khích thỏa thuận như thế nào?; có nên quy định mức giá trần tối đa khi thỏa thuận không thành? cũng như số lượng % thỏa thuận tối thiểu? theo kinh nghiệm của Ấn Độ thì cần tối thiểu 80% chủ sử dụng đất đồng thuận, có như vậy mới có thể tháo gỡ được vướng mắc như đã nêu tại báo cáo tổng kết.

Không nhất thiết phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện gây chồng chéo

Tham gia thảo luận về dự án luật này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cũng có nhiều ý kiến góp ý sâu về trách nhiệm của Nhà nước quản lý về đất đai đối với vùng dân tộc thiểu số; Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở; quản lý đất tín ngưỡng; Giao đất có thu tiền sử dụng đất Điều và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Theo đại biểu Hằng, tại khoản 2 Điều 33 quy định: 2. Tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất”.

hang-21(1).jpg
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng: không nhất thiết phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện gây chồng chéo trong việc lập quy hoạch

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, một trong số các hình thức xử lý tài sản công là bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trên thực tế hiện nay, đa phần các tổ chức được giao đất để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất. Như vậy, việc quy định hình thức bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công có trái với quy định nêu trên hay không? Đồng thời, làm rõ trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công có giống với hình thức giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hay không? Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh sửa vì nếu không có sự thống nhất trong các luật có thể gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện khi Luật được thông qua.

 Điều 36 đã bổ sung quyền đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm theo hướng: người được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được quyền thế chấp, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Đồng thời, Điều 47 quy định khi thực hiện quyền này phải đảm bảo 03 tiêu chí.

Có thể nhận thấy, việc giao đất, cho thuê đất là một trong những hoạt động giúp Nhà nước quản lý đất đai hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay, góp phần thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển. Tuy nhiên, quy định mới này cần được cân nhắc, xem xét kỹ, đánh giá tác động của việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, tín dụng. Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm cũng có thể dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm thu đầy đủ khoản tiền thuê đất hàng năm, nhất là trong trường hợp bên thế chấp mất khả năng thanh toán.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại các Điều 62, Điều 65, Điều 66 và Điều 67. Theo quy định tại khoản 4 Điều 28 của Luật số 35, ngày 20/11/2018 của Quốc hội khóa XIV “Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch” thì định kỳ rà soát, điều chỉnh quy hoạch là 05 năm thực hiện 01 lần và thời gian thực hiện dự án đối với nhóm C là 03 năm, đối với nhóm B là 04 năm,… kể từ khi được bố trí vốn. Vì vậy, việc lập Kế hoạch sử dụng đất hàng năm làm chậm quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, cản trở thu hút đầu tư. Hiện nay, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đều có văn bản yêu cầu phải cắt giảm các thủ tục không phù hợp liên quan đến đất đai, giảm thiểu thời gian và gánh nặng trong giải quyết các thủ tục hành chính cho cả người dân và các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc lập Kế hoạch sử dụng đất 05 năm là phù hợp, hàng năm chỉ căn cứ chỉ tiêu được giao, các cấp, các ngành tổ chức thực hiện việc giao đất, cho thuê đất,… đảm bảo đảm bảo theo quy định, sau đó tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để kiểm soát việc sử dụng đất.

Đồng thời, các bộ ngành đã lập quy hoạch ngành quốc gia và các địa phương đang thực hiện lập Quy hoạch tỉnh (quy hoạch tích hợp) và các quy hoạch khác có liên quan (quy hoạch chung đô thị,…). Trong đó đã có định hướng về phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực và các công trình, cơ sở hạ tầng trên đất, đều gắn liền với đất; trong các quy hoạch đều có thống kê diện tích, giai đoạn sử dụng đất cho từng ngành, lĩnh vực và các công trình trọng điểm (như khu công nghiệp, khu du lịch, các tuyến đường trọng yếu,…). Do đó, chỉ cần thực hiện Kế hoạch sử dụng đất theo hướng cập nhật các chỉ tiêu sử dụng đất từ các quy hoạch nêu trên; không nhất thiết phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện gây chồng chéo trong việc lập quy hoạch.

Ban soạn thảo cũng cần làm rõ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 84 và điểm b, khoản 2, Điều 86, vì thông báo này mới chỉ dừng lại ở thông báo kế hoạch, cơ quan chức năng chưa tiến hành thực hiện các bước điều tra, khảo sát, kiểm đếm, đo đạc,... nên không có căn cứ hoàn thiện theo nội dung thông báo đòi hỏi tại khoản 1, Điều 84 và điểm b, khoản 2, Điều 86 để lập thông báo chi tiết gửi đến từng hộ dân. Do đó, nên tách ra theo trình tự từng bước, xác định rõ giai đoạn đầu là thông báo tổng thể, giai đoạn sau khi tiến hành các bước điều tra, khảo sát, kiểm đếm, đo đạc,… thì ban hành thông báo chi tiết.

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO