ĐBQH Đắk Nông góp ý về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Đ.D| 15/11/2022 18:04

Ngày 15/11, kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV tiếp tục thảo luận tập trung tại hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); biểu quyết thông qua một số nghị quyết của Quốc hội và tiến hành phiên bế mạc.

Tham gia thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Đoàn ĐBQH Đắk Nông có 2 lượt ý kiến thảo luận sâu với nhiều nội dung.

1. Đại biểu Phạm Thị Kiều

Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông tán thành sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu năm 2013. Về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, đại biểu Phạm Thị Kiều  đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 5 “Trường hợp lựa chọn nhà thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước thì doanh nghiệp tự quyết định về hình thức, quy trình, thủ tục và các nội dung khác trong lựa chọn nhà thầu và ban hành quy chế để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp”. Theo đại biểu, hoạt động này không thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại khoản 1, Điều 1 của dự thảo Luật; nội dung này nên đưa vào Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (đang được nghiên cứu sửa đổi).

Về quy định tại khoản 7, đoạn đầu quy định: “Việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự án có sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. Tuy nhiên, tiếp theo lại quy định “Thủ tục trình, thẩm định và phê duyệt các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Luật này”. Đại biểu Kiều đề nghị xem lại quy định tại khoản này, vì nếu áp dụng theo điều ước quốc tế thì phải áp dụng toàn bộ kể cả nội dung, trình tự, thủ tục; trường hợp điều ước quốc tế không quy định trình tự, thủ tục thì đã áp dụng Luật này (đoạn cuối khoản 7).

Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Liên quan đến chỉ định thầu (Điều 21), đại biểu đề nghị cân nhắc, quy định cụ thể hơn đối với một số trường hợp chỉ định thầu: “gói thầu tái định cư” tại điểm g, khoản 1, nếu tất cả các gói tái định cư đều thực hiện chỉ định thầu là chưa phù hợp, nhất là đối với các gói thầu thực hiện tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, có nhiều nhà thầu quan tâm. “Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay”. Để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân tại điểm b, khoản 1 cần quy định cụ thể hơn, vì nội dung để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân vừa rất rộng, vừa thiếu cụ thể, có thể bị lợi dụng hoặc gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Về đấu thầu trước (Điều 39), đây là quy định mới của dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, các công việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án quy định tại khoản 2 là khá rộng, đề nghị rà soát kỹ các trường hợp được đấu thầu trước theo hướng chỉ là những gói thầu cần bảo đảm tính liên tục, kế thừa hoặc một số nội dung liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng.

Về xử lý vi phạm trong đấu thầu (Điều 88, Điều 89), đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cân nhắc việc bổ sung Điều 89 quy định về các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu, bởi vì: Các hình thức xử lý vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 89 trùng lặp với nội dung tại khoản 1, Điều 88. Mặt khác, ngay trong các hình thức xử lý tại khoản 1, Điều 89 cũng có sự trùng lặp, cụ thể là hình thức xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức tại điểm d trùng một phần với hình thức xử lý tại điểm a (cảnh cáo). Việc bồi thường thiệt hại quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 89 không phải là hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức, viên chức; không phải là hình thức xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật về lao động và cũng không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, mà đây là một trong các phương thức bảo vệ quyền dân sự của chủ thể bị xâm hại.

Về quy định chuyển tiếp (Điều 97), đại biểu cho rằng, quy định tại khoản 3 “Trong thời gian hoàn chỉnh các chức năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định của Luật này, việc đấu thầu qua mạng thực hiện theo các quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13” là chưa rõ ràng, không rõ thời gian để hoàn chỉnh các chức năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là thời điểm nào. Do đó, đề nghị quy định cụ thể thời gian để hoàn chỉnh các chức năng của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định của Luật này.

2. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng

Tham gia thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cũng nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu năm 2013 để phù hợp với các quy định hiện hành. Đặc biệt nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thực hiện với các Luật được ban hành, sửa đổi sau Luật Đấu thầu năm 2013 như: Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi năm 2020), Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020...

Tuy nhiên, để đảm bảo sự chặt chẽ, phù hợp khi ban hành Luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng: Tại khoản 3, Điều 5 của dự thảo Luật có quy định về điều kiện đối với nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, chỉnh sửa một số quy định như: điểm b, khoản 3 sửa lại từ “Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự” thành “Không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Tại khoản 4, Điều 17 quy định về hủy thầu như sau: “tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 và khoản 2, Điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Đây là quy định quan trọng, góp phần tạo tính cạnh tranh, minh bạch của hoạt động đấu thầu và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà thầu tham dự thầu. Tuy nhiên, theo quy định khoản 4, Điều 17 dự thảo là chưa rõ về cơ chế đền bù chi phí như thế nào?. Các bên liên quan phải khởi kiện ra Tòa án đòi bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự hay theo trình tự thủ tục nào, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ ràng và cụ thể hơn về vấn đề đền bù chi phí cho các bên liên quan khi hủy thầu trong các trường hợp trên.

Tại khoản 1, Điều 87 về Giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu có quy định: “Người có thẩm quyền thực hiện công tác giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu nhằm bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tuân thủ theo quy định của Luật này”. Theo quy định của dự thảo Luật thì hoạt động này do người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu thực hiện. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch của hoạt động đấu thầu, đề nghị ban soạn thảo nên bổ sung một số tổ chức giám sát xã hội… để thực hiện về giám sát, theo dõi hoạt động thầu.

Tại mục 1, Chương VII dự thảo Luật quy định về hợp đồng với nhà thầu, trong đó rất nhiều quy định có tính chất trùng lặp với các quy định về hợp đồng xây dựng quy định tại Luật Xây dựng. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét về các quy định hợp đồng trong dự thảo để đảm bảo thống nhất với quy định của pháp luật xây dựng, tránh tình trạng hai văn bản cùng quy định về hợp đồng có tính chất tương tự nhau, gây khó khăn khi áp dụng.

Đại biểu Hằng cho rằng tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh công lập thời gian qua ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là người bệnh nghèo tham gia bảo hiểm y tế. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo tháo gỡ, nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân là do những vướng mắc, bất cập của các quy định trong công tác mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Do đó, cần sửa đổi các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong Luật Đấu thầu trình sửa đổi lần này. Cần nghiên cứu, có quy định phù hợp để tháo gỡ những điểm nghẽn trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để đảm bảo cho nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Đắk Nông góp ý về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO