Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông góp ý về dự án Luật Căn cước

Đức Diệu 25/10/2023 14:03

Bước vào ngày làm việc thứ 3, buổi sáng 25/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận tại hội trường về dự án Luật căn cước.

ADQuảng cáo
25_10-phien-hop-ve-luat-can-cuoc(1).jpg
Quang cảnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sáng 25/10 (Ảnh: Lệ Quyên)

Tham gia thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhận định: Qua rà soát, đối chiếu với các dự thảo trước, có thể đánh giá dự án Luật Căn cước trình tại Kỳ họp lần này có nhiều điều chỉnh, bổ sung tích cực, cho thấy những ý kiến đóng góp trước đó đã được cơ quan soạn thảo cầu thị, tiếp thu ghi nhận, đồng thời có sự nghiên cứu sâu sát tình hình thực tế, rà soát kỹ lưỡng các văn bản pháp luật có liên quan.

Trong bối cảnh thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay thì xây dựng 1 Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công thông qua hình thức trực tuyến, hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, khắc phục các nhược điểm, thiếu sót của pháp luật căn cước hiện hành là lý do pháp luật về căn cước cần hoàn thiện không ngừng, tạo nên màn chắn hành lang pháp lý vững chắc.

25_10-dai-bieu-pham-thi-kieu(1).jpg
Đại biểu Phạm Thị Kiều tham gia thảo luận về dự án Luật Căn cước (Ảnh: Lệ Quyên)

Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thay thế cụm từ “cơ bản” bằng cụm từ “chính xác” tại khoản 1 Điều 3 để quy định mang tính chặt chẽ hơn, cụ thể: “1. Căn cước là thông tin chính xác về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học của một người”.

Tại khoản 5, Điều 6 của dự thảo quy định chung về trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước là “cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước…”. Như vậy, cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an, cấp tỉnh hay cấp huyện đều được cấp căn cước? Tuy nhiên, theo Điều 28 của dự thảo quy định thì thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là: “Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước”. Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét, quy định nội dung này cho thống nhất.

25_10-doan-dak-nong-tai-hoi-truong(1).jpg
Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia phiên họp sáng 25/10 (Ảnh: Lệ Quyên)

Tại khoản 12 Điều 9 dự thảo Luật có nội dung quy định về thông tin của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm có cả “nhóm máu”. Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại vì ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân và các hậu quả tiêu cực khác nếu thông tin cá nhân này công khai. Đồng thời, nội dung này cũng không thống nhất với quy định tại điểm p khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú năm 2020: “p) Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó”. Theo đó, pháp luật về cư trú không bắt buộc công dân phải cập nhật nhóm máu lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong trường hợp công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành cập nhật theo yêu cầu của người dân. Quy định như vậy mang tính chất nhân văn, khoa học hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Đắk Nông góp ý về dự án Luật Căn cước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO