Góp ý dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Góp ý về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Phạm thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng: Dự thảo Luật chỉ quy định những nguyên tắc chung để làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn giao dịch trực tiếp, truyền thống vẫn tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành.
Tại khoản, 2 Điều 1, đề nghị bổ sung cụm từ “điện tử” vào sau cụm từ “giao dịch” cho thống nhất với phạm vi điều chỉnh của luật là quy định về giao dịch điện tử, cụ thể: “2. Luật này không quy định về nội dung của giao dịch điện tử. Luật khác quy định giao dịch điện tử không thực hiện bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của Luật đó".
Đại biểu Phạm thị Kiều, Đoàn ĐBQH Đắk Nông góp ý về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) |
Đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về các đối tượng chịu áp dụng quy định tại Điều 2 của dự án Luật Giao dịch điện tử. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh nội dung tên Chương III của dự thảo cho phù hợp và đầy đủ, bởi vì các nội dung được quy định tại Chương III, ngoài các quy định về “Dịch vụ tin cậy” còn có các quy định về “Chữ ký điện tử”. Đồng thời điều chỉnh nội dung tên Chương VII của dự thảo Luật cho phù hợp với nội dung quy định của chương. Cụ thể, đề nghị điều chỉnh thành chương quy định về “trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, thực hiện giao dịch điện tử”. Theo đó, đề nghị đưa nội dung quy định tại Điều 50, Điều 51…vào quy định chung tại chương này.
Tại Khoản 3, Điều 29 của dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn đối với loại hình “dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử”. Bởi vì theo như khoản 1 Điều này thì dịch vụ tin cậy chỉ bao gồm 3 loại dịch vụ là: Dịch vụ cấp dấu thời gian, dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu và dịch vụ chữ ký số công cộng. Mặt khác, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn về khái niệm “chứng thực” để tránh nhầm lẫn với quy định về chứng thực được quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ “về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch” và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ “về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử”.
Tại Điều 30 dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ dịch vụ cấp dấu thời gian gồm những dịch vụ gì?
Góp ý dự án Luật Giá (sửa đổi)
Góp ý vào dự án Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông đề nghị: điểm C, khoản 2, Điều 7 dự thảo Luật có quy định “Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá”. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hoặc đưa vào văn bản hướng dẫn thi hành luật về hành vi bị nghiêm cấm trong việc “lợi dụng chính sách của nhà nước” vì quy định chung như trên rất khó xác định, do lỗi không phải ở tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ “cạnh tranh không lành mạnh” vào điểm d khoản 2 Điều 7 như sau “Các hành vi thông đồng về giá, thẩm định giá dưới mọi hình thức để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh”.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông góp ý vào dự án Luật Giá (sửa đổi) |
Điều 16 dự thảo luật có nội dung: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân có ý kiến về Quyết định giá hàng hóa dịch vụ trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình xin ý kiến theo quy định của pháp luật”. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn về trường hợp nào xin ý kiến của Hội đồng nhân dân, trường hợp nào giao cho Ủy ban nhân dân quyết định để đảm bảo cơ sở pháp lý khi áp dụng vào thực tiễn; đồng thời, việc cho ý kiến cũng không quy định rõ theo phương thức nào, tại cuộc họp hay bằng văn bản, nếu bằng văn bản thì dùng loại hình văn bản nào? Xác định rõ đối tượng cho ý kiến là toàn bộ chủ trương hay một phần nội dung,...
Khoản 2, Điều 17 dự thảo Luật quy định: “2. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá trên địa bàn theo thẩm quyền”. Việc giao chung chung các loại văn bản về giá xét thấy phạm vi thực hiện rất rộng, khó kiểm soát. Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể, rõ ràng hơn về phạm vi, tránh chồng chéo với văn bản cấp trên. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cũng cần cân nhắc bổ sung thêm khoản 12 quy định về “các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật này và các văn bản pháp luật khác có liên quan” nhằm đảm bảo đầy đủ nội dung, dễ dàng, linh hoạt áp dụng khi văn bản luật có hiệu lực trên thực tiễn, nhất là các trường hợp phát sinh ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn trên.
Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung và giải thích từ ngữ đối với thuật ngữ “các nội dung, cơ chế, chính sách giá” sử dụng tại khoản 1 Điều 26. Việc giải thích thuật ngữ “các nội dung, cơ chế, chính sách giá” để các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm định thuận tiện trong việc xác định hình thức ban hành quyết định về giá cho phù hợp.
Khoản 3, Điều 31 dự thảo luật liệt kê rất nhiều các trường hợp kê khai giá, tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc giới hạn lại đối tượng cần thực hiện kê khai giá theo hướng chỉ những tổ chức, những nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa, các đại lý cấp 1, nhà phân phối độc quyền mới phải thực hiện kê khai giá; bỏ quy định kê khai giá đối với các cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ (chỉ cần niêm yết giá công khai sản phẩm tại nơi bán để người tiêu dùng tiếp cận được giá).
Điểm a khoản 1, Điều 53 quy định yêu cầu của người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá là “a) Có đủ 36 tháng là thẩm định viên về giá”. Đề nghị thay thế từ “có đủ” bằng từ “từ đủ” để phù hợp và thống nhất trong cách sử dụng từ ngữ giữa các văn bản pháp luật.
Điều 55, Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá: Nhằm nâng cao tính trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động thẩm định giá, tránh để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc trong thời gian qua, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung cụm từ “trước pháp luật” vào điểm c, khoản 2, Điều 55, cụ thể: “c: Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định giá trong giải quyết tranh chấp về kết quả thẩm định giá với khách hàng thẩm định giá”. Điểm c, khoản 1, Điều 56 quy định “Các trường hợp đình chỉ kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật xử lý vi phạm hành chính”. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp và Luật Xử lý vi phạm hành chính vì quy định về xử lý vi phạm hành chính là “đình chỉ hoạt động” chứ không phải “đình chỉ kinh doanh”.
Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bãi bỏ Điều 67 trong dự thảo luật. Vì mục tiêu, yêu cầu, mục đích là định hướng xây dựng luật chứ không nên quy định cụ thể vào văn bản luật. Tại tiêu đề của Điều 70 ghi là “bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật có liên quan”, tuy nhiên Ban soạn thảo cần rà soát nhằm bỏ từ “bổ sung” vì nội dung Điều luật không đề.