ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Đ.D| 09/11/2022 17:41

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 9/11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Tham gia thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhấn mạnh: Các Nghị quyết của Đảng đã định hướng nghiên cứu xây dựng Luật Phòng thủ dân sự, nhằm thể chế hóa thành đạo luật riêng, góp phần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Những quan  điểm trong Nghị quyết của Đảng khẳng định: Xây dựng Nhà nước  pháp  quyền  xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật toàn diện, đầy đủ, chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, ngày 30/8/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.

Thực tế những năm qua cho thấy, tình hình thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, diễn ra hầu hết trên địa bàn cả nước như đại dịch Covid-19, nhưng hệ thống văn bản pháp luật về phòng thủ dân sự của Nhà nước chưa bao quát được hết các lĩnh vực. Vì vậy, việc ứng phó, khắc phục về phòng thủ dân sự còn chưa kịp thời. Do đó, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết để bổ sung, hoàn thiện, bao quát đầy đủ các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Mặt khác, xây dựng, ban hành Luật Phòng thủ dân sự là để áp dụng thống nhất trên cả nước, khắc phục sự phân tán, riêng lẻ của các văn bản luật và các văn bản dưới luật về phòng thủ dân sự; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong thời bình, bảo vệ đất nước trong thời chiến.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Đại biểu Dương Khắc Mai khẳng định: Việc hợp nhất các Ban chỉ đạo, chỉ huy ở cấp trung ương và địa phương là phù hợp.

Hiện nay, trong lĩnh vực phòng thủ dân sự, việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố còn tồn tại nhiều tổ chức chỉ đạo, chỉ huy như: Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng thủ dân sự; Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Các tổ chức chỉ đạo nêu trên có sự trùng lặp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thành viên.

Do có sự trùng lặp, chồng chéo về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nên trên thực tế, khi có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra, các tổ chức chỉ đạo nêu trên đều vào cuộc và tổ chức việc chỉ đạo, điều phối, giải quyết và khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, gây chồng chéo, lúng túng cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc tồn tại đồng thời nhiều tổ chức chỉ đạo về phòng, chống thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây tốn kém, lãng phí về nguồn lực. Vì vậy, ở cấp quốc gia, hợp nhất các tổ chức phối hợp liên ngành; ở cấp bộ, ngành và địa phương hợp nhất thành Cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự cấp bộ, ngành trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là phù hợp.

Về một số quy định chi tiết, đại biểu Dương Khắc Mai góp ý: Tại khoản 2, Điều 21 quy định “Cấp độ phòng thủ dân sự”, trong dự án Luật quy định 4 cấp Phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, tại Điều 24 quy định về “Phân công, phân cấp trách nhiệm Phòng thủ dân sự”, dự thảo Luật không quy định cấp nào triển khai thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 4 để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm vào khoản 5, Điều 24 của dự thảo Luật như sau:

“Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 3 và phòng thủ dân sự cấp độ 4”.

Tại Điều 44 dự thảo Luật: theo dự thảo Quỹ Phòng thủ dân sự được hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự. Hiện nay, các quỹ có liên quan đến hoạt động Phòng thủ dân sự (Quỹ Phòng, chống thiên tai; Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch; Quỹ Bảo vệ môi trường; Quỹ hỗ trợ khắc phục thiệt hại hạt nhân) có các đối tượng thu, chi mang tính chuyên ngành hoàn toàn khác nhau. Do đó, khi Quỹ Phòng thủ dân sự hình thành trên cơ sở điều tiết từ các quỹ trên cần phải xác định cụ thể chi hỗ trợ theo đúng nội dung chi của từng quỹ .

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/dbqh-dak-nong-duong-khac-mai-thao-luan-ve-du-an-luat-phong-thu-dan-su-95976.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/dbqh-dak-nong-duong-khac-mai-thao-luan-ve-du-an-luat-phong-thu-dan-su-95976.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai thảo luận về dự án Luật Phòng thủ dân sự
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO