ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai tham gia góp ý dự án luật
Chiều 8/11, Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận.
Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng dự thảo Luật trình lần đầu để lấy ý kiến nhưng đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, bảo đảm cơ bản tính phù hợp, đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 2 (giải thích từ ngữ) của dự thảo quy định: “Vũ khí trang bị kỹ thuật bao gồm các loại vũ khí, tổ hợp vũ khí, đạn dược, phương tiện, khí tài, trang bị kỹ thuật hỗ trợ; được biên chế cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng thực thi pháp luật”.
Trong khi đó, khoản 1, Điều 3 (giải thích từ ngữ) của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lại quy định như sau: “Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”.
Như vậy, tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không có khái niệm “tổ hợp vũ khí” mà chỉ có khái niệm “tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất”.
Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo rà soát, điều chỉnh cho thống nhất chung trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, tại khoản 19, Điều 2 (giải thích từ ngữ) quy định thực hành động viên công nghiệp thực hiện khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh.
Theo khoản 11 và khoản 12, Điều 2 Luật Quốc phòng 2018 quy định về tổng động viên, động viên cục bộ như sau: Tổng động viên là biện phá phuy động mọi nguồn lực của đất nước để chống chiến tranh xâm lược. Động viên cục bộ là biện pháp huy động mọi nguồn lực của một hoặc một số địa phương trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại thì cần cân nhắc mở rộng việc thực hành động viên công nghiệp ngay tại thời bình nhằm huy động tối đa lực lượng trong và ngoài quân đội để xây dựng, từng bước hoàn thiện việc sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật.
Khoản 2 Điều 4 (nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp) quy định như sau: Tuân thủ Hiến pháp, Điều ước quốc tế mà Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và pháp luật Việt Nam”.
Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa về vị trí sắp xếp các nội dung quy định tại khoản này để bảo đảm tính hợp lý, súc tích của văn bản luật. Cụ thể nên đưa “tuân thủ Hiến pháp” và “pháp luật Việt Nam” thành 01 vế rồi đến nội dung “Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” để khoa học hơn. Như vậy cũng phù hợp với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 (Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật) của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề xuất đơn vị soạn thảo nghiên cứu tách riêng nội dung “Hoạt động sản xuất quốc phòng do Bộ Quốc phòng, hoạt động sản xuất an ninh do Bộ Công an quản lý tập trung, thống nhất” để dễ triển khai khi áp dụng thực tiễn, đồng thời phù hợp với vị trí nhiệm vụ riêng biệt của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3; đồng bộ với cách thức quy định chuyên biệt tại toàn văn dự thảo Luật như Điều 9, khoản 2 Điều 11, Điều 12, Điều 13,…
Tại điểm a, khoản 2, Điều 17, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại khoản 11 Điều 2 (Giải thích từ ngữ): “Công nghệ lưỡng dụng là công nghệ phục vụ cho cả mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh và dân sự” để quy định cho thống nhất, bao hàm ý nghĩa đầy đủ trong toàn văn dự thảo Luật. Có thể điều chỉnh, bổ sung điểm a, khoản 2, Điều 17 như sau: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và các sản phẩm lưỡng dụng phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh và dân sự”.