Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch đất rừng, đất khai thác bô xít

Đức Diệu 31/05/2023 15:12

Hôm nay, 31/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

toan-canh-ngay-31(1).jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường ngày 31/5

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận sâu nhiều nội dung, trong đó có các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Nông đại biểu tiếp tục kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ.

Trị căn bệnh đùn đẩy, né trách, sợ trách nhiệm…

Về phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, mặc dù cả nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ đại dịch và những diễn biến mới, phức tạp của tình hình quốc tế nhưng Chính phủ đã kiên định, quyết liệt trong thực hiện mục tiêu vừa khống chế dịch bệnh vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế. Chính phủ đã dự báo sớm, chọn thời điểm hợp lý mở cửa nền kinh tế, tận dụng các cơ hội, thu hút tối đa các dòng vốn, nhà đầu tư lớn để đất nước có thêm nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ, nâng cao vị thế của đất nước, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.  

dai-bieu-mai-ngay-31(1).jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông kiến nghị cần có giải pháp để ngăn chặn tình trạng cán bộ né trách, đùn đẩy, sự trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ

Trước những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, Chính phủ đã điều hành đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được đảm bảo; tài chính, tiền tệ, tỷ giá ổn định trong bối cảnh nền tài chính, tiền tệ của một quốc gia có nền kinh tế lớn bất ổn, chao đảo...

Tuy nhiên, trong báo cáo cũng đã nêu một số tồn tại, hạn chế đó là: tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2023; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách theo nghị quyết 43 cũng như 3 chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt như kỳ vọng, khả năng hấp thụ vốn đầu tư của nền kinh tế còn yếu. Đời sống một bộ phận người dân nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn. Các loại tội phạm, nhất là tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao đã và đang là sự quan tâm lớn của xã hội, là mối bận tâm, phân tâm của nhiều người và là nỗi phiền muộn của không ít gia đình. Đặc biệt, trong báo cáo đề cập “Một bộ phận cán bộ... có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...”, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần sớm có giải pháp toàn diện để khắc phục những tồn tai, hạn chế đã nêu trong báo cáo. Đồng thời có liệu pháp đủ mạnh để sốc lại tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ cũng như có liều thuốc đặc trị hiệu quả căn bệnh đùn đẩy, né trách, sợ trách nhiệm, sợ sai...mà không để lây lan ra diện rộng, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi địa phương và sự phát triển chung của đất.

Cần xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi

Về thực hiện các chính nâng cao phúc lợi, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh: theo báo cáo của Chính phủ thì việc quan tâm chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, nước ta do quy mô của quỹ an sinh còn hạn chế, nên chưa thể đảm bảo được thu nhập cho mọi đối tượng người cao tuổi. Trong khi đó, già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh và trong tương lai gần sẽ tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Vì hiện nay hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội cho người cao tuổi còn chưa hoàn thiện, hạ tầng về chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi như các cơ sở dưỡng lão, mạng lưới các cơ sở y tế, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho công tác khám, chữa bệnh và điều trị cho người cao tuổi còn rất hạn chế.

trung-ngay-31(1).jpg
Ủy Ban Thường vụ Quốc hội điều hành phiên thảo luận

Để góp phần giải quyết vấn đề này chúng ta cần phát triển hệ thống bảo hiểm đồng bộ, đa dạng, chất lượng; kết hợp có hiệu quả giữa bảo hiểm mang tính chất chính sách xã hội và bảo hiểm mang tính chất dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người dân. Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ cho quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích sự tham gia của nhóm lao động tự do, nông dân và các ngành nghề truyền thống.

Thúc đẩy mạnh công tác xã hội hóa, có cơ chế khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các mô hình an sinh xã hội, trong đó có mô hình chăm sóc người cao tuổi, nhằm bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người, phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của quốc gia và người dân.

Trong xây dựng các chính sách nên đề cao trách nhiệm, sự trợ giúp của con cháu trong gia đình và cộng đồng, xã hội, tiếp đó là các tổ chức tư nhân và sau cùng mới đến Nhà nước. Nhà nước xây dựng chính sách tổng thể trong hoạt động phúc lợi xã hội. Pháp luật an sinh xã hội cho người cao tuổi cần phải được xây dựng và thực hiện ngang tầm với hệ thống pháp luật kinh tế gắn với quá trình phát triển kinh tế đất nước.

Điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch đất lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông xuống 247.565 ha

Liên quan đến Đắk Nông, đại biểu Dương Khắc Mai tiếp tục kiến nghị một số nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng, quy hoạch.

Về dự án cao tốc đường bộ Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), đại biểu Dương Khắc Mai kiến nghị Quốc hội đồng ý với phương án đề xuất của Chính phủ, giao cho Chính phủ hoàn thiện thủ tục đầu tư trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đối với việc điều chỉnh chỉ tiêu đất quy hoạch lâm nghiệp, tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tỉnh Đắk Nông được phân bổ chỉ tiêu đất lâm nghiệp là 292.981 ha. Như vậy, tổng diện tích chỉ tiêu đất lâm nghiệp được giao đến năm 2030 gần tương đương với diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp hiện nay, trong khi thời gian tới, Đắk Nông cần nhiều diện tích, không gian để phát triển kinh tế - xã hội, nên cần thiết phải quy hoạch lại để đảm bảo hài hòa mục tiêu giữa phát triển rừng với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, phần lớn diện tích đất chưa có rừng quy hoạch phát triển lâm nghiệp hiện nay đã bị người dân lấn chiếm sản xuất nông nghiệp ổn định, khó thu hồi để phát triển lâm nghiệp.

Đại biểu Dương Khắc mai đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương quan tâm, điều chỉnh chỉ tiêu diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 là 247.565 ha để tỉnh có thêm dư địa phát triển, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội trong gia đoạn tới.

Về lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, hiện nay quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với thực tế phân bổ vùng khoáng sản bô xít hiện nay chiếm diện tích 6/8 huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông, ước tính sản lượng khai thác như hiện nay khoảng 400 năm mới khai thác hết. Do đó, tỉnh Đắk Nông kính đề ghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch để tỉnh có không gian phát triển mà vẫn có khoáng sản dự trữ cho tương lai.

Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch đất rừng, đất khai thác bô xít
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO