ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai: Không nên lấy tiêu chí vốn Nhà nước để phân biệt quy trình thực hiện dự án PPP
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị không nên lấy tiêu chí có sử dụng vốn hay không sử dụng vốn Nhà nước để phân biệt quy trình thực hiện dự án PPP.
Chiều 23/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiếp tục chương trình với phiên thảo luận tập trung tại hội trường về 7 dự án luật quan trọng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận sâu về các dự án luật, trong đó có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Cụ thể, về quy trình dự án PPP (Điều 11 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư), khoản 3 Điều 2 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 11 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó quy định đối với dự án PPP có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của pháp luật về đầu tư công thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác, UBND cấp tỉnh.
Quy trình dự án PPP thì tại điểm a có quy định “Dự án không sử dụng vốn Nhà nước quy định tại các Điều 70, 71 và 72 của Luật này không phải thực hiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư”.
Theo thuyết minh của cơ quan chủ trì soạn thảo, việc sửa đổi, bổ sung điều này nhằm giản lược quy trình thực hiện đối với một số dự án nhóm B, nhóm C không sử dụng vốn Nhà nước, dự án O&M…, phân cấp thẩm quyền thẩm định nhằm tạo thuận lợi cho quá trình triển khai.
Đại biểu Dương Khắc Mai cơ bản tán thành cần cải cách, đơn giản các quy trình để đẩy nhanh việc chuẩn bị các dự án PPP. Tuy nhiên, đầu tư PPP là hình thức hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân để cùng thực hiện dự án. Nhà nước tham gia dự án PPP có thể bằng vốn nhà nước hoặc các loại tài sản khác như đất đai, công trình, cơ sở hạ tầng sẵn có. Dù là tài sản nào thì cũng đều là nguồn lực của Nhà nước và đều cần được quản lý chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả. Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị không nên lấy tiêu chí có sử dụng vốn Nhà nước hay không sử dụng vốn Nhà nước để phân biệt quy trình thực hiện dự án PPP.
Về nội dung cơ bản của hợp đồng dự án PPP (Khoản 1 Điều 47 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư). Về trách nhiệm của các bên trong việc nghiên cứu, phát triển công nghệ; thương mại hóa sản phẩm được tạo ra từ công nghệ; bản quyền, quyền sở hữu công nghệ; trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực số, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ công lập”, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định này. Bởi vì hợp đồng PPP về bản chất là hợp đồng dân sự mà một bên tham gia là cơ quan Nhà nước.
Nguyên tắc cơ bản của hợp đồng dân sự là theo thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, do đây là một loại hợp đồng dân sự đặc biệt nên luật quy định những nội dung cơ bản của hợp đồng.
Bên cạnh đó, mục đích của đầu tư PPP là thu hút các nguồn lực từ khu vực tư, nhất là nguồn lực tài chính nên việc bổ sung nội dung nêu trên làm ràng buộc thêm trách nhiệm của nhà đầu tư, có thể làm giảm tính hấp dẫn của đầu tư PPP.
Mặt khác, không phải dự án PPP nào cũng có yêu cầu nghiên cứu, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực số. Việc phát triển khoa học, công nghệ có nhiều cơ chế khác để thực hiện; thực tế hiện nay có nhiều luật, nghị quyết về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được Quốc hội thông qua hoặc chuẩn bị trình Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều ưu tiên, ưu đãi về lĩnh vực này.
Về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, khoản 4 Điều 34 của Luật Đầu tư hiện hành quy định: “Chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chính phủ lập và gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đến cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội”. Tuy nhiên, tại khoản 9 Điều 5 dự thảo luật sửa đổi về nội dung này lại bỏ quy định về thời hạn Chính phủ lập và gửi hồ sơ để thẩm tra.
Việc quy định thời hạn là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều dự án luật, nghị quyết gửi hồ sơ dự án chậm, không bảo đảm tiến độ. Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần giữ nguyên thời hạn theo quy định của luật hiện hành hoặc nghiên cứu, bổ sung thời hạn cụ thể để các cơ quan của Quốc hội có thời gian nghiên cứu, bảo đảm chất lượng công tác thẩm tra.
Về dự án Luật Đấu thầu, đối với phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu (Điều 62 của Luật Đấu thầu, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng: điểm a khoản 25 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 62, trong đó quy định: “Đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận: cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao: nhà đầu tư không cần chứng minh khả năng thu xếp vốn chủ sở hữu và được sử dụng dự án, công trình do mình trực tiếp thực hiện mà công nghệ đã được đưa vào vận hành thử nghiệm thành công để chứng minh kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư kinh doanh tương tự khi tham gia đấu thầu”.
Đơn vị soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc lại quy định này vì để triển khai thực hiện dự án thì phải có vốn; nếu không quy định sẽ khó khả thi, có thể dẫn đến tình trạng “nhà đầu tư ảo”. Trường hợp giữ quy định như trên thì phải bổ sung quy định để có cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện dự án sau khi nhà đầu tư được lựa chọn, như bố trí từ vốn nhà nước hoặc vốn từ các tổ chức tín dụng thông qua cam kết cấp tín dụng.