Thời sự Đắk Nông

ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Hồ Đức Diệu 15/01/2024 15:15

Sáng 15/1, sau phần khai mạc, Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận tập trung tại hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

ADQuảng cáo

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH Đắk Nông tham gia thảo luận sâu về thể thức, nội dung Dự án luật.

1.jpg
Toàn cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sáng 15/1

Đại biểu Dương Khắc Mai đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lý mang tính chiều sâu, bám sát thực tiễn của Ban soạn thảo tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình tại Kỳ họp lần này.

Về kỹ thuật soạn thảo văn bản: Tại Điều 79 dự thảo Luật liệt kê chi tiết 31 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng nội dung khoản 32 quy định: “Trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này”. Theo đại biểu Dương Khắc Mai, cần xem xét lại vì đây là lần đầu tiên trong các luật ban hành chứa điều khoản bắt buộc khi phát sinh trường hợp mới bắt buộc phải sửa đổi, bổ sung luật ngay. Trong giai đoạn nền kinh tế xã - hội phát triển nhanh, thay đổi liên tục hiện nay, quy định như trên rất khó bảo đảm tuổi thọ của luật. Do đó, đại bểu đề nghị nghiên cứu giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trong trường hợp này và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.

dak-nong-1-1-8bc6715e4d6dadbec3521a35bb0782b0.jpg
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông (hàng thứ 2, thứ nhất bên trái qua) và đồng chí Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông (hàng thứ 2, thứ hai bên trái qua) dự phiên họp

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng cần xem xét lại việc quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hàng năm như nội dung tại điểm c khoản1 Điều 61 (Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất), Điều 67 (Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện). Qua thực tiễn thi hành gặp nhiều bất cập, đặc biệt là việc chậm phê duyệt mà nguyên nhân chủ yếu là do thông qua rất nhiều khâu, nhiều quy trình gây mất thời gian và nhân lực. Do đó khó đáp ứng tiến độ, ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu và lợi ích của người dân, tạo gánh nặng cho cơ quan nhà nước, công chức thi hành nhiệm vụ.

Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải lập hàng năm gây lãng phí, tốn kém, hiệu quả không cao; chỉ cần xác định các chỉ tiêu sử dụng đất như thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính về đất đai... để thực hiện. Các vị trí về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng đã được thể hiện trong bản đồ quy hoạch sử dụng đất nên không nhất thiết phải lập bản đồ kế hoạch sử dụng đất. Việc không lập kế hoạch sử dụng đất cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất theo nhu cầu và điều kiện kinh tế. Trong thực tế, đã xảy ra nhiều trường hợp người có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thì không được chuyển mục đích do chưa có trong kế hoạch sử dụng đất (mặc dù trong quy hoạch sử dụng đất đã có). Vị trí được chuyển mục đích sử dụng đất thì người sử dụng đất chưa có nhu cầu, hoặc không đủ điều kiện chuyển (chưa đủ kinh phí chuyển mục đích) hoặc một số người không ở địa phương nên không biết thời điểm để đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Từ đó, dẫn đến trường hợp tại một số địa phương xác định chỉ tiêu trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm không phù hợp với tình hình thực tế, không thực hiện được chỉ tiêu sử dụng đất đặc biệt là đến cuối kỳ quy hoạch các chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất hầu hết không đạt.

o-mai-(1).jpg
ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất: Điểm c khoản 2 Điều 122 quy định: “Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

c) Không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai hoặc vi phạm quy định của pháp luật về đất đai nhưng đã chấp hành xong quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm đề nghị giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Việc xác định người sử dụng đất vi phạm quy định của pháp luật về đất đai áp dụng đối với tất cả các thửa đất đang sử dụng trên địa bàn cả nước”.

Đề nghị cần có quy định chi tiết, xác định mức độ vi phạm tới đâu để thống nhất trong cách hiểu và thực thi, nhất là việc thống nhất các trường hợp vi phạm cần đăng tải trên trang thông tin điện tử để theo dõi công khai.

Giải quyết đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2014: Đề nghị thay thế từ “xem xét” bằng từ “được cấp” tại khoản 1, các điểm a, c khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 139 vì về mặt bản chất, tư duy thì luật phải rõ ràng để rõ nghĩa. Đây là điều khoản được luật hóa từ Điều 22, Điều 23 Nghị định 43 mà qua thực tiễn thi hành có thể thấy, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên bị ngưng trệ trong việc cấp đất vì các cấp địa phương “sợ sai”, không có hướng đi thống nhất.

Bảng giá đất, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng cần xem xét lại nội dung quy định Khoản 3 Điều 159 “…Hàng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo”. Việc này tương đương như xây dựng Bảng giá đất nên rất phức tạp, tốn kém về thời gian, nhân lực, kinh phí (có thể xem xét quy định hệ số điều chỉnh tương tự như hệ số K mà UBND tỉnh ban hành hàng năm như hiện nay hoặc không quy định cụ thể bao nhiêu năm mà tuỳ tình hình thực tế do UBND tỉnh quyết định ban hành).

Về hạn mức giao đất cho cộng đồng dân cư: Tại khoản 4 Điều 178,… khẳng định việc có giao đất cho cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, trong dự thảo quy định hạn mức giao đất cho hộ gia đình, cá nhân còn đối với cộng đồng dân cư thì chưa quy định hạn mức cụ thể. Đề nghị rà soát, bổ sung nội dung này.

Về Hiệu lực thi hành: Tại các khoản 2, 4 của điều này còn bỏ trống quy định về thời gian, nội dung, vì vậy đề nghị ban soạn thảo bổ sung để đại biểu Quốc hội có cơ sở quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO