ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai: Cần có tiêu chí cụ thể để các đối tượng dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội
Bắt đầu từ ngày 19/6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV bắt đầu họp đợt 2. Trong phiên làm việc sáng 19/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH Đắk Nông nhấn mạnh: dự thảo luật cần có các quy định về thứ tự ưu tiên, các tiêu chí cụ thể hơn để các đối tượng dễ dàng tiếp cận với nhà ở xã hội
Sau khi nghiên cứu Hồ sơ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), về cơ bản, tôi thống nhất với nhiều nội dung đã được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này.
Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, về tính thống nhất của thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở tại khoản 19, Điều 3, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Hộ gia đình sử dụng đất tại khoản 28, Điều 3, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Pháp luật quy định, nhà ở là tài sản gắn liền với đất; do đó, các quy định về nhà ở và đất đai phải có sự thống nhất. Khoản 28, Điều 3, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) giải thích từ ngữ về “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành”. Có nghĩa là chủ thể hộ gia đình sử dụng đất chỉ được xác định trước ngày Luật Đất đai có hiệu lực thi hành. Trong khi đó, khoản 19, Điều 3, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đưa ra việc giải thích từ ngữ về: “Thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung, cùng thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung hoặc trên đất thuê, đất mượn và cùng tham gia quản lý, sử dụng nhà ở đó” và thành viên hộ gia đình tiếp tục được đề cập tại Điều 8, Điều 57, mục 5… Tức là, sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực, thành viên hộ gia đình tiếp tục là một chủ thể được xác lập.
Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần cân nhắc, làm rõ thêm, đánh giá kỹ lưỡng hơn đối với vấn đề về hộ gia đình trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Việc lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng trong việc xây dựng chương trình phát triển nhà ở theo Điều 31 của dự thảo luật.
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, khi xây dựng, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh thì giao hoàn toàn trách nhiệm, thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; cần bỏ quy định việc lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng để tạo tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương; giảm bớt chi phí thời gian và làm tăng khối lượng công việc cho cơ quan Trung ương.
Để giải quyết vấn đề bốc thăm “may rủi” để mua nhà ở xã hội theo báo chí phản ánh trong thời gian gần đây, ngoài việc quy định các đối tượng được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội theo Điều 73 của dự thảo Luật, cần có các quy định về thứ tự ưu tiên, các tiêu chí cụ thể hơn để các đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận với nhà ở xã hội. Đồng thời, cần có sự quy định chặt chẽ để không làm phát sinh việc trục lợi chính sách nhà ở xã hội.
Tại điểm a, khoản 1, Điều 75 dự thảo Luật, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị làm rõ hơn cụm từ“nơi sinh sống” được xác định là đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện hay cấp tỉnh.
Về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp theo Điều 89 và Điều 92 của Dự thảo, đại biểu Mai tán thành cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và các vị đại biểu góp ý tại tổ thảo luận về việc cần có chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp.
Vì, thực tế hiện nay công nhân làm việc tại các khu công nghiệp thường ở những tỉnh lẻ, có điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập thấp, khó khăn trong việc tiếp cận với nhà ở xã hội; việc phải ở nhà trọ tại các khu vực khác, xa nơi làm việc, sống rải rác tại các con hẻm, ngõ cụt nên dễ dẫn đến nhiều hệ lụy của cuộc sống, đi lại, đảm bảo an ninh trật tự, khi có những tình huống bất ngờ xảy ra sẽ không thể tự đảm bảo được cuộc sống cũng như làm việc tại các khu công nghiêp. Điển hình như đại dịch Covid-19 vừa qua, đời sống công nhân rất cơ cực, doanh nghiệp phải đóng cửa, khép kín, ngưng trệ hệ thống vận hành, công nhân không có công ăn việc làm. Nếu như giai đoạn Covid-19, các khu công nghiệp bố trí nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp thì sẽ giải quyết được rất nhiều khâu khi dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, để thực hiện được chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp, tôi đề nghị: Cơ quan soạn thảo cần phải quy định rõ việc dành quỹ đất thích hợp để xây nhà ở cho công nhân (phải đảm bảo được % quỹ đất/diện tích khu công nghiệp/số lượng công nhân); bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy giữa khu vực nhà ở cho công nhân với khu khu công nghiệp, nhất là những khu công nghiệp lớn, có đông người lao động làm việc; bảo đảm chăm lo đời sống của công nhân khu công nghiệp; có chế tài để xử lý đối với các đối tượng khi được hỗ trợ nhà ở trong khu công nghiệp khi không thực hiện đúng theo quy định của công ty, doanh nghiệp.
Tại điểm b, khoản 1, Điều 159 của dự thảo về Điều kiện của các bên tham gia một số giao dịch về nhà ở có quy định: “Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự”. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Bộ Luật dân sự năm 2015 thì: “Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này”. Do đó, đề nghị nghiên cứu thêm các giao dịch đối với người mất năng lực hành vi dân sự, Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự để có sự bổ sung cho phù hợp, thống nhất.