ĐBQH Đắk Nông đóng góp nhiều ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Tiếp tục ngày làm việc thứ 10 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 3/11, Quốc hội dành cả ngày thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến hai lần tại Kỳ họp thứ 4, thứ 5 và được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tổ chức họp nhiều lần để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và đã được đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Tại phiên thảo luận, ĐBQH Đắk Nông đã góp ý sâu nhiều ý kiến, kể cả những trăn trở, gửi gắm vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.
ĐBQH Đắk Nông Nguyễn Trường Giang: Cấp bách nhưng cần thận trọng
Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng cần chỉ rõ việc chồng chéo để tiến hành sửa đổi bổ sung là một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều này đã được chỉ rõ trong Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vì vậy, trong quá trình soạn thảo Luật Đất đai cần rà soát kỹ nếu phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo. Việc áp dung nguyên tắc quy định pháp luật như đề xuất của các đại biểu thì dễ dẫn đến phá vỡ tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và gây ra sự chồng chéo, thậm chí xung đột pháp luật. Có thể xảy ra tình huống, trong một quan hệ xã hội, có hai luật, thậm chí nhiều hơn trong một vấn đề.
Liên quan đến thời điểm thông qua luật, có một số đại biểu cho rằng rất cấp bách, đại biểu Nguyễn trường Giang cho rằng là đúng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật và báo cáo giải trình cho thấy, đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề do phạm vi của Luật Đất đai rất rộng và liên quan chặt chẽ, mật thiết với nhiều quy định khác. Với một dự thảo rất nhiều phương án trình ra Quốc hội và rất nhiều ĐBQH đăng ký phát biểu, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng cần rất thận trọng, nếu chúng ta sửa đổi, không nghiên cứu thấu đáo sẽ dẫn đến những vướng mắc về sau.
ĐBQH Đắk Nông Dương Khắc Mai: Một dự án Luật còn bộn bề công việc
“Dự thảo Luật đất đai là dự luật hết sức quan trọng, tuy nhiên 19 giờ tối qua đại biểu Quốc hội mới nhận được hồ sơ dự thảo luật kèm theo các văn bản liên quan. Đặc biệt là báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội dài 413 trang, đúng là một công trình công phu, đồ sộ mà rất nhiều nội dung có hai phương án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhận định “nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau...”. Một bức tranh về quản lý đất đai đang từng bước được hoàn thiện mà theo đại biểu còn bộn bề công việc. Điều này nó cũng đúng với tầm quan trọng và sự tác động của đất đai trong thực tiễn đời sống xã hội.
ĐBQH Đắk Nông Trần Thị Thu Hằng: Bảo đảm công khai, minh bạch về giá đất
Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các tài liệu liên quan, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lý mang tính chiều sâu, bám sát thực tiễn của cơ quan soạn thảo tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình tại Kỳ họp lần này.
Do việc xây dựng Bảng giá đất rất phức tạp, việc quy định ban hành hàng năm sẽ rất tốn kém về thời gian, nhân lực, kinh phí, phải thuê các đơn vị tư vấn để thiết kế, xác định giá đất tại từng vị trí so với giá tiệm cận với thị trường. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét quy định hệ số điều chỉnh tương tự như hệ số K mà UBND tỉnh ban hành hàng năm như hiện nay hoặc chỉ quy định tuỳ tình hình thực tế UBND tỉnh sẽ trình trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành.
Trong dự thảo quy định Bảng giá đất được công bố nhưng chưa có quy chế rõ ràng về việc thực hiện công khai như thế nào để đảm bảo giá đất được công khai, minh bạch. Do đó cần bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch về công khai giá đất. Ngoài ra, nếu Chính phủ bỏ khung giá đất, giao cho UBND tỉnh tự xây dựng bảng giá đất thì cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng chênh lệch giá mỗi nơi một kiểu.
ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều: Cần giải quyết được tình trạng thiếu đất
Tôi rất trăn trở nếu chính sách đất đai trong Luật sửa đổi lần này không giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu đất, giúp đồng bào ổn định cuộc sống và phát triển; chủ trương của Đảng ban hành từ năm 2003, đến nay đã hơn 20 năm vẫn chưa được thực hiện có hiệu quả. Đó cũng chính là những yêu cầu đặt ra về chính sách đất đai nói chung và đối với đồng bào DTTS nói riêng. Vì vậy, trong sửa đổi Luật lần này phải thực sự thận trọng, thấu đáo, cân nhắc kỹ lưỡng và phải được Quốc hội quyết định theo khoản 5 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước.