Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

ĐBQH Đắk Nông: Đề nghị kéo dài thời hạn giải ngân vốn 3 chương trình MTQG

Đức Diệu 30/10/2023 16:06

Thảo luận về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG, đại biểu Quốc hội Đắk Nông Phạm Thị Kiều đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn giai đoạn 2021- 2025 của 3 chương trình.

ADQuảng cáo

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10/2023, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Đắk Nông Phạm Thị Kiều tham gia thảo luận sâu về một số nội dung phân bổ, sử dụng nguồn vốn của các chương trình.

Phân bổ nguồn vốn chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao

Về tổng thể, đại biểu Phạm Thị Kiều thống nhất cao với báo cáo trình kỳ họp. Việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư 3 Chương trình MTQG là phù hợp với thực tế và đã có những tác động rất lớn, tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, vùng biên giới.

30_10-toan-canh-phien-hop(1).jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sáng 30/10 (Ảnh: Lệ Quyên)

Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tránh sự chồng chéo và tạo thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện cho 3 chương trình. Vì mỗi Chương trình ban hành một cơ chế, quy định riêng sẽ gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng thực hiện; đồng thời tạo ra sự chồng chéo, dễ gây bất đồng tại các khu vực thụ hưởng, dẫn tới giảm hiệu quả quá trình tuyên truyền, vận động đóng góp của người dân để thực hiện các nội dung của từng chương trình.

Mặt khác, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo. Do đó, kính đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn giải ngân vốn của giai đoạn 2021- 2025 (kể cả nguồn vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đến hết giai đoạn năm 2025. Vì nếu không cho chuyển thì các dự án, nội dung đã lập để thực hiện thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 2022 không được kéo dài sang năm 2024 và đến hết giai đoạn thì lại phải điều chỉnh dự án, dẫn đến dự án thực hiện nửa chừng, không đồng bộ và không thể phát huy hiệu quả.

30_10-ba-pham-thi-kieu-phat-bieu(1).jpg
ĐBQH Đắk Nông Phạm Thị Kiều: Nếu không cho phép địa phương chuyển nguồn vốn sự nghiệp (nếu không sử dụng hết) sang vốn đầu tư thì sẽ không sử dụng hết vốn (Ảnh: Lệ Quyên)

Ngoài ra, cần ban hành quy định cho phép địa phương được chuyển từ nguồn vốn sự nghiệp sang nguồn vốn đầu tư, phân bổ theo các lĩnh vực chi (kinh tế, văn hóa, xã hội, tuyên truyền...) theo nhu cầu sử dụng vốn. Bên cạnh đó, 3 Chương trình MTQG có nhiều nội dung trùng lắp với nhau (ví dụ đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế…) dẫn đến chồng chéo, không giải ngân được nguồn vốn, vì mỗi đối tượng chỉ được thụ hưởng ở một chương trình. Mặt khác, hiện nay cơ sở hạ tầng khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, cần vốn đầu tư. Nếu không cho phép địa phương chuyển nguồn vốn sự nghiệp (nếu không sử dụng hết) sang vốn đầu tư thì sẽ không sử dụng hết vốn.

Theo quy định hiện hành thì HĐND tỉnh phải ban hành một nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn thực hiện các chương trình MTQG. Nếu trong quá trình triển khai thực hiện, phải điều chỉnh việc thực hiện nhiệm vụ dự toán thì phải điều chỉnh bằng nghị quyết nên phải chờ đến kỳ họp của HĐND tỉnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện của chương trình. Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép các địa phương điều chỉnh các dự án, nội dung... Do đó, kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ quy định cho phép UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh điều chỉnh và báo cáo HĐND tỉnh tại cuộc họp gần nhất để đảm bảo tính kịp thời.

Nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình chưa thực hiện được

Thực tế, hiện nay việc triển khai thực hiện cả 3 Chương trình MTQG đã bước sang năm thứ 3. Tuy nhiên, hiện còn nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc trong quá trình ban hành các văn bản hướng dẫn. Do đó, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị các bộ, ngành có liên quan sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế, hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định.

3 Chương trình MTQG gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

Hiện nay, chỉ có Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới là có Văn phòng Điều phối Nông thôn mới cấp tỉnh nhưng chưa có sự thống nhất về vị trí pháp lý, số lượng biên chế, còn 2 chương trình MTQG còn lại không có bộ máy giúp việc riêng, phải sử dụng, trưng dụng biên chế ngay tại cơ quan, đơn vị và làm việc kiêm nhiệm.

Để 3 Chương trình được thực hiện hiệu quả, bảo đảm đầy đủ nguồn lực về con người, tài chính hoạt động thông suốt, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong việc tham mưu cho UBND cấp tỉnh triển khai đồng bộ 3 chương trình, đại biểu Kiều đề nghị nghiên cứu thành lập một mô hình Văn phòng điều phối chung trực thuộc UBND cấp tỉnh để thực hiện có hiệu quả 3 chương trình; trong đó cần xác định vị trí pháp lý rõ ràng, biên chế của Văn phòng được sử dụng, trưng dụng tại các cơ quan đơn vị mà hiện đang tham mưu thực hiện 3 chương trình và không làm phát sinh biên chế của tỉnh, đồng thời bố trí nguồn kinh phí để Văn phòng hoạt động hiệu quả.

Một số đề xuất cụ thể

Vấn đề giải quyết đất sản xuất, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cần xem xét xây dựng chính sách đồng bộ trong chính sách phát triển kinh tế, sinh kế bền vững theo hướng tạo chủ động cho các địa phương và giải quyết đồng bộ chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và điều kiện cụ thể của từng gia đình. Trong thực tế thì không phải hộ gia đình nào thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách cũng cần có đất sản xuất vì có những gia đình, họ không còn đủ sức lao động nên không nên hỗ trợ đất sản xuất. Vì vậy nên xây dựng chính sách hỗ trợ linh hoạt cho đối tượng này. Hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động có thể tham gia lao động tại nhà máy, công ty thì hỗ trợ đào tạo nghề. Hộ gia đình có người khó tuyển dụng vào các nhà máy, công ty (độ tuổi 45 trở lên) thì hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, hỗ trợ mua máy móc, công cụ, dụng cụ để phát triển sản xuất tại địa phương để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế của đất nước và thị trường lao động hiện nay.

Về Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững (Tiểu dự án 1, Dự án 3), đối tượng hưởng lợi của dự án là hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu tập trung tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn nên việc đối ứng kinh phí ngoài khoản hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cũng như thu hồi một phần vốn hỗ trợ khi tham gia dự án gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần xem xét, có cơ chế tháo gỡ để việc triển khai được thuận lợi hơn.

Về Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, quy định nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương (Theo quy định tại Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định...) thì các tỉnh, thành phải bố trí vốn đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 1:1. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương thu ngân sách chưa bảo đảm chi nên gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí vốn đối ứng theo quy định. Vì vậy, cần xem xét quy định, giảm tỷ lệ vốn đối ứng đối với những địa phương còn khó khăn, như tỉnh Đắk Nông và nhiều tỉnh khác, để việc thực hiện các Chương trình bảo đảm tiến độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Đắk Nông: Đề nghị kéo dài thời hạn giải ngân vốn 3 chương trình MTQG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO