Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xuất khẩu lao động

Hoàng Hoài| 25/08/2022 15:25

Sáng 25/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Chỉ thị số 16-CT/TW đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư TƯ Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài” (Chỉ thị 16). Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Điểu K’Ré, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự.

Đồng chí Điểu K’Ré, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Nông

10 năm qua, Chỉ thị 16 đã được các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, lợi ích đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, quảng bá hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam được nâng cao.

Công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục pháp luật, phong tục, tập quán của nước tiếp nhận, định hướng cho người lao động và chuyên gia ngày càng được chú trọng. Chất lượng lao động và chuyên gia của Việt Nam được nâng cao. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài cơ bản được triển khai hiệu quả.

Quy mô tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh. Đến năm 2022, cả nước có 451 tổ chức, doanh nghiệp, tăng hơn 2 lần so với thời điểm ban hành Chỉ thị 16. Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã mở rộng lên 25 thị trường. Toàn quốc, đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với trước.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xuất khẩu lao động.

Các bộ, ngành sớm tham mưu Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan và điều chỉnh bao quát các quan hệ lao động đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Công tác quản lý Nhà nước cần quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan về báo cáo, thông tin, thẩm quyền cấp phép đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài...

Các ngành, địa phương nắm bắt thông tin, kịp thời cảnh báo một số địa bàn, lĩnh vực không nên đưa lao động đi xuất khẩu cũng như xử lý đơn vị không thực hiện theo khuyến cáo. Công tác dạy nghề chú trọng đào tạo cho người lao động các kỹ năng, yêu cầu cần thiết, hướng tới lựa chọn lao động có tay nghề cao để hết thời hạn khi về địa phương sẽ áp dụng, làm việc thành thạo.

Sau khi kết thúc hội nghị, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điểu K’Ré cho rằng: Hiện nay, lao động Đắk Nông làm việc tại nước ngoài còn ít, do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xuất khẩu lao động. Quá trình thực hiện, cần chú trọng đào tạo lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của các nước tuyển dụng. Đây được coi là cách để tạo việc làm, xóa nghèo bền vững và phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Lao động xuất khẩu phải đi theo đường chính ngạch để được bảo đảm các quyền lợi và được bảo hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xuất khẩu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO