Đẩy mạnh liên kết để thúc đẩy ngành công thương miền trung-Tây Nguyên

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN YÊN| 08/11/2023 20:46

Khu vực miền trung-Tây Nguyên gồm 15 tỉnh, thành phố, có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để giao thương nội vùng và với các nước trong khu vực. Trong đó, ngành công thương đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ và đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy liên kết, giao thương…

Khai thác tối đa các lợi thế

Khu vực miền trung-Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng, nằm ở vị trí thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; đồng thời có thể giao thương với các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và xa hơn là các nước Nam Á và vùng Tây Nam Trung Quốc thông qua trục hành lang kinh tế Đông-Tây và hệ thống các quốc lộ 14, 19, 24, 29...

Đây là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú về rừng, núi, biển, đảo, vịnh nước sâu, đất đai, di sản văn hóa lịch sử. Khu vực cũng có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, công nghiệp đóng tàu; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng...

Thời gian qua, các tỉnh trong khu vực đã tăng cường hợp tác, liên kết phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao hơn so với mức bình quân cả nước.

Cụ thể, năm 2022 có 12 trong số 15 tỉnh, thành phố trong khu vực có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước 7,8%; 9 tháng năm 2023, có 12 trong số 15 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước 0,3%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng 27,1%; 9 tháng năm 2023 tăng 12,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất luôn được bảo đảm, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Kim ngạch xuất khẩu các tỉnh, thành phố khu vực năm 2022 đạt 16,224 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ; 9 tháng năm 2023 đạt 11,609 tỷ USD, phục hồi 96,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức phục hồi của cả nước, có 7 trong số 15 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu tăng cao là Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Phú Yên.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp của một số tỉnh, thành phố trong khu vực chậm phục hồi, tăng trưởng còn thấp, thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh chưa cao.

Quy mô sản xuất và trình độ công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp trong khu vực còn hạn chế, chưa có nhiều dự án lớn được đầu tư với công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao tạo động lực phát triển của vùng. Sản phẩm chế biến thô và gia công còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của vùng.

Hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương còn hạn chế, chưa có sự phối hợp đồng bộ, hợp tác liên kết liên doanh giữa các doanh nghiệp trong khu vực để hình thành các trung tâm sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế phát triển của toàn vùng; chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù riêng đối với vùng nên chưa khuyến khích, phát huy được tiềm năng, lợi thế về phát triển công nghiệp, thương mại.

Thúc đẩy liên kết để phát triển

Nhằm tăng cường công tác hỗ trợ, phối hợp và thúc đẩy mối quan hệ gắn bó ngành công thương từ trung ương với các địa phương, ngành đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, ngày 27/10 vừa qua, tại thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông), Bộ Công thương phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị ngành công thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền trung-Tây Nguyên năm 2023.

Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian bàn và đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng để phát triển nhanh và bền vững cho toàn khu vực.

Trong đó, đa số ý kiến đề xuất cần xây dựng mô hình và các công cụ cụ thể để quản lý hoạt động liên kết vùng; nghiên cứu xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, một cơ chế tài chính và tính pháp lý đủ cao cho cơ quan điều phối các hoạt động liên kết vùng.

Các ý kiến đều cho rằng, cơ quan điều phối hoạt động liên kết vùng là cơ quan hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nhằm bảo đảm sự phân công giữa các địa phương; thường xuyên trao đổi thông tin giữa các địa phương trong cả nước nhằm tạo cơ chế phối hợp trong quản lý phát triển ngành công thương, chú trọng hợp tác về đầu tư, liên kết sản xuất, cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp trong khu vực; liên kết mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho người lao động tại các địa phương…

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến cho biết, Đắk Nông là cửa ngõ, đầu mối giao thương giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nghỉ dưỡng với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; tỉnh đang phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp khai thác bô-xít và luyện nhôm của cả nước (hiện Đắk Nông đóng góp khoảng 51% và Lâm Đồng đóng góp khoảng 49% sản lượng alumin của cả nước).

Do đó, giải pháp thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế được tỉnh xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu. Đắk Nông mong muốn Bộ Công thương, các tỉnh khu vực miền trung-Tây Nguyên làm cầu nối để các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, đầu tư, liên kết sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam Nguyễn Bá Dự cho biết, hiện nay ở cấp cơ sở đang tồn tại nhiều vướng mắc, chưa có sự đồng nhất khái niệm về vùng, liên vùng, mỗi nơi đang làm một kiểu nên cần phải thể chế hóa về vùng, phải luật hóa các khái niệm để làm cơ sở thực hiện, các chính sách còn nhiều chồng chéo, vướng mắc kéo dài, chậm giải quyết sửa đổi đã tạo ra rào cản.

Đặc biệt, trong quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành hiện còn cứng nhắc, cùng một vấn đề khi lấy ý kiến, nhiều bộ đồng tình nhưng chỉ cần một bộ không đồng ý là tất cả đều bế tắc, điều này đã tạo ra sự trì trệ, kéo dài kéo giảm phát triển. Mặt khác, khái niệm vùng và phân chia vùng hiện nay đang thiếu tính đồng bộ về địa chính trị và hành chính trên các lĩnh vực.

Cụ thể, theo Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị khi chia 6 vùng thì tên vùng và phạm vi tỉnh cũng có sự khác nhau so với phân chia vùng theo cụm thi đua của ngành công thương.

Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh, lĩnh vực năng lượng đang là tiềm năng, thế mạnh lớn của nhiều tỉnh, thành phố trong vùng và liên vùng khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Tuy nhiên, hiện nay trong triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, nhất là công tác quy hoạch và đầu tư phát triển năng lượng còn chịu sự tác động của rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật cho nên trong quá trình thực hiện còn lúng túng, trong khi sự phối hợp của các cấp, các ngành còn thiếu đồng bộ.

Cùng với đó là hệ thống truyền tải của ngành điện chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng tương đương với các dự án năng lượng đầu tư. Việc triển khai hạ tầng cơ sở cũng đang vướng quy định về luật đất đai, vấp phải sự khiếu kiện của người dân vùng dự án...

“Để giải quyết những vướng mắc này các tỉnh nội vùng, liên vùng trong khu vực cần có sự phối hợp, rà soát để kiến nghị với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển, quy hoạch điện lực đồng bộ, bài bản, nhằm khai thác tốt thế mạnh địa phương”, ông Binh kiến nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2023, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành công thương, các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên cơ sở phù hợp với các định hướng phát triển 2 vùng chiến lược đã được Bộ Chính trị thông qua (Tây Nguyên; Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ).

Các địa phương cần tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống...

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/day-manh-lien-ket-de-thuc-day-nganh-cong-thuong-mien-trung-tay-nguyen-post781661.html
Copy Link
https://nhandan.vn/day-manh-lien-ket-de-thuc-day-nganh-cong-thuong-mien-trung-tay-nguyen-post781661.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đẩy mạnh liên kết để thúc đẩy ngành công thương miền trung-Tây Nguyên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO