Đẩy mạnh phân bổ vốn
Trong năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công tại Đắk Nông hơn 2.487 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương 896 tỷ đồng, nguồn ngân sách Trung ương 1.590 tỷ đồng.
Đối với nguồn ngân sách Trung ương, trong năm 2022, toàn tỉnh phân bổ cho các dự án hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng 224 tỷ đồng. Đối với 2 dự án trọng điểm, liên kết vùng gồm: nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Dự án đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê giai đoạn 2 được bố trí 378 tỷ đồng. Nguồn đối ứng cho các dự án ODA là 40 tỷ đồng…
Riêng ngân sách địa phương, tỉnh sẽ phân cấp cho các huyện, thành phố 268 tỷ đồng. Nguồn vốn bố trí các dự án chuyển tiếp sang năm 2022 là 74 tỷ đồng. Về phía cấp tỉnh quản lý để chi cho các dự án là 140 tỷ đồng. Đối với các công trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia 15 tỷ đồng…
Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án trên địa bàn thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) |
Theo ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KH-ĐT, để công tác giải ngân kế hoạch vốn đạt cao nhất, ngay từ những tháng đầu năm, việc thúc đẩy giải ngân được toàn tỉnh tích cực triển khai. Đối với những đơn vị chưa phân bổ hết kế hoạch vốn, tỉnh đề nghị khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết các công trình, dự án theo quy định đã phê duyệt.
Tập trung tháo gỡ từng vướng mắc
Giải ngân đầu tư công được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển. Để đẩy nhanh tiến độ, các sở, ngành, địa phương đang đẩy nhanh nhiều giải pháp.
Theo Sở KH-ĐT, với mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn 2022, quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu được tỉnh kiểm soát chặt chẽ. Liên quan đến vấn đề này, tại buổi giao ban đầu năm 2022 diễn ra ngày 7/2 vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh: “Một trong những chỉ tiêu cực kỳ quan trọng trong năm 2022 là giải ngân vốn đầu tư. Các đơn vị, ban quản lý các dự án, chủ đầu tư chủ động hoàn thiện hồ sơ pháp lý để việc đấu thầu diễn ra trong thời gian sớm nhất”.
Cũng theo Sở KH-ĐT, về phía UBND tỉnh, yêu cầu các dự án được phê duyệt bảo đảm nguyên tắc không điều chỉnh tăng quy mô dự án, bổ sung hạng mục dự án, làm tăng tổng mức đầu tư. Đối với UBND các huyện, thành phố nếu đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư phải tự cân đối nguồn vốn để hoàn thành dự án theo tiến độ.
Các chủ đầu tư thực hiện phân công 1 lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân đến từng dự án. Việc đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn từng dự án phải được chủ đầu tư quyết liệt. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, chủ đầu tư báo cáo kịp thời cấp thẩm quyền giải quyết.
Các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kế hoạch giải ngân vốn. Các đơn vị, chủ đầu tư xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật, cố tình gây cản trở, khó khăn trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp kiểm tra thực địa dự án. Việc gặp dân, tổ chức đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó, vận động bà con chấp hành các quy định của Nhà nước phải được các địa phương thực hiện kịp thời, chu đáo.
Các huyện, thành phố giải quyết thấu đáo những khiếu nại, tố cáo xảy ra trong quá trình vận động. Kiên quyết xử lý, cưỡng chế đối với các trường hợp lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
UBND tỉnh kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn 2022 của các dự án triển khai thực hiện chậm tiến độ, chậm giải ngân vốn theo nguyên tắc: Đối với dự án khởi công mới năm 2022, đến hết tháng 9/2022 nếu tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60% kế hoạch hoặc đến tháng 10/2022 tỷ lệ giải ngân đạt dưới 70% sẽ cắt giảm vốn bổ sung cho những dự án khác. Đối với dự án chuyển tiếp, đến hết tháng 6/2022 tỷ lệ đạt dưới 70% hoặc đến tháng 9/2022 đạt dưới 80% kế hoạch sẽ thực hiện cắt giảm vốn đầu tư. |