Đẩy mạnh cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất

Bài, ảnh: Trần Lê| 29/03/2022 08:54

Sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Thế nhưng, hoạt động này ở Đắk Nông vẫn còn khiêm tốn, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập của nhà nông.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Dương Văn Lực, thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh (Krông Nô) sản xuất 7 ha lúa. Nhiều công đoạn như làm đất, gieo sạ, thu hoạch đã được ông ứng dụng các máy móc hiện đại.

Theo ông Lực nhờ có máy móc, gia đình ông tiết kiệm được nhiều chi phí, nhất là về công lao động, giúp tăng năng suất cây trồng lên khoảng gấp 5-10 lần so với trước đây.

Ông Lực nhấn mạnh: "Với sản xuất lúa, máy móc đã chiếm đến 80% công việc, nhiều nhất là khâu làm đất, thu hoạch, chăm sóc. Cũng từ đó, mà góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác".

Tuy nhiên, cũng theo ông Lực, để đầu tư vào máy móc cũng không phải dễ, bởi cần số vốn lớn. Việc vận hành máy móc hiệu quả đối với sản xuất nông nghiệp phải có diện tích canh tác lớn, hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông nội đồng, đường liền kề, liên vùng.

Theo Phòng NN - PTNT huyện Krông Nô, những năm gần đây, cơ giới hóa sản xuất đã được người dân quan tâm nhiều hơn. Qua đó, máy móc đã góp phần tăng hiệu quả sản xuất lên gấp nhiều lần.

Gia đình ông Dương Văn Lực, xã Buôn Choáh (Krông Nô) ứng dụng máy gặt đập vào canh tác lúa

Thế nhưng, trên thực tế, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng đang rất cầm chừng. Chẳng hạn, tại cánh đồng lúa xã Buôn Choáh hay vùng trồng ngô, lúa ở các xã Đức Xuyên, Nâm N’đir..., việc ứng dụng máy móc, thiết bị mới tập trung ở khâu làm đất. Còn ở khâu chăm sóc, thu hoạch cây trồng, việc cơ giới hóa còn ít.

Theo Sở NN - PTNT Đắk Nông, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp là một trong những động lực để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, là cơ sở để mở rộng quy mô, xây dựng các vùng nông sản tập trung.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Tuy nhiên, hiện nay, việc áp dụng các loại máy móc tiên tiến, công suất cao tại các địa phương vẫn còn khiêm tốn, chủ yếu ở các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đối với các hộ dân, phần lớn là máy móc công suất nhỏ. Ở nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, hình thức canh tác vẫn theo truyền thống, sử dụng sức người là chủ yếu.

Cơ giới hóa mới áp dụng nhiều ở cây hằng năm, ngắn ngày như lúa, ngô... Các loại cây công nghiệp chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, hàm lượng áp dụng cơ giới còn thấp.

Sản xuất theo truyền thống, chủ yếu dùng sức người vẫn còn phổ biến

Điển hình như đối với cây cà phê, hầu hết các khâu xuống giống, chăm sóc, thu hoạch đều bằng sức người, tổn thất sau thu hoạch rất lớn. Diện tích cây trồng này áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tưới phun mưa, nhỏ giọt còn chiếm tỷ lệ nhỏ.

Về nguyên nhân, trước hết do đất canh tác của người dân nhỏ lẻ, tính liên vùng, liền thửa chưa nhiều. Nguồn vốn đầu tư của người dân hạn hẹp cũng ảnh hưởng đến quá trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao thiết bị, máy móc phù hợp với đặc điểm của những điều kiện khác nhau về đất đai, cây trồng, trình độ canh tác cũng chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho cơ giới hóa sản xuất còn thấp, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ. Ví dụ như năm 2021, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ được 2 máy kéo cho 2 HTX Sáng Farm (Đắk Glong) và HTX lúa gạo Buôn Choáh (Krông Nô).

Cũng theo Sở NN-PTNT, thời gian tới, cơ giới hóa sản xuất sẽ được tỉnh tập trung đẩy mạnh. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, tạo vùng nguyên liệu.

Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, giúp người dân cơ giới hóa sản xuất, xây dựng, phát triển nông nghiệp theo chuỗi, nâng cao giá trị nông sản, thu nhập.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO