Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được địa phương phát động và có sức lan tỏa rộng khắp, góp phần nâng cao đời sống của hội viên nông dân và vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Hội Nông dân xã đã tích cực, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mạnh dạn canh tác những cây trồng mới, nuôi vật nuôi mới cho thu nhập tốt hơn.
Trong đó tiêu biểu là hội viên Hà Thanh Tuấn, sinh năm 1982 – một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện của ấp Hòa Lộc 1, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Anh Hà Thanh Tuấn, hội viên, nông dân ấp Hòa Lộc 1, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng mạnh dạn chuyển đổi, trồng cây mới cho hiệu quả kinh tế cao là trồng sầu riêng.
Anh Tuấn xuất thân từ một gia đình nông dân, gia đình anh Tuấn có 4 nhân khẩu, 2 lao động chính và 2 con nhỏ đang đi học.Anh Tuấn luôn thấu hiểu nổi khổ của nghề làm nông.
Anh luôn suy nghĩ, học hỏi, trao dồi kinh nghiệm từ những người đi trước, bằng ý chí và nghị lực của gia đình anh quyết định đi lên và làm giàu bằng nông nghiệp từ quê hương của mình.
Đầu tiên gia đình Anh Tuấn cũng như bao gia đình khác trong địa phương trồng xen canh rất nhiều loại cây trên cùng một diện tích đất sản xuất.
Do chưa có kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc nên gia đình sản xuất theo cách truyền thống, sản phẩm làm ra giá trị kinh tế không cao.
Anh nhận thấy, muốn vươn lên làm giàu thì phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bằng sức trẻ, sự nổ lực, ý chí vươn lên anh Tuấn mạnh dạn chuyển đổi 2.000m2 vườn tạp giá trị thấp thu nhập kinh tế không cao sang trồng sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao.
Trong thời gian này bản thân anh Tuấn nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và tham quan; học tập các mô hình làm ăn có hiệu quả của địa phương trong và ngoài tỉnh.
Đến năm 2021 anh Tuấn đã áp dụng kỹ thuật trồng sầu riêng an toàn, giảm lượng thuốc trừ sâu, phân hóa học bằng các sản phẩm từ sinh học, hữu cơ. Từ đó, vườn sầu riêng đặc sản của gia đình hạn chế được bệnh xì mủ trên thân sầu riêng và bệnh cháy lá.
Anh Hà Thanh Tuấn bên vườn sầu riêng của gia đình. Anh Tuấn tiết lộ, nhờ áp dụng kỹ thuật trồng sầu riêng an toàn, hạn chế dùng thuốc trừ sâu hóa học, phân bón hóa học, tăng sử dụng các thuốc sinh học, phân bón hữu cơ nên vườn sầu riêng ít sâu bệnh, năng suất sầu riêng, chất lượng sầu riêng nâng cao.
Được các cấp Hội Nông dân tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển sản xuất, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã Xuân Hòa.
Sau thời gian chăm sóc vườn sầu riêng của anh Tuấn đã cho trái, trừ hết tất cả chi phí, gia đình anh còn lời hơn 200 triệu đồng/năm.
Vườn trái cây đặc sản đã mang lại hiệu quả kinh tế đúng như anh mong đợi, tạo công ăn việc làm cho 6 lao động tại địa phương.
Anh nhận thấy trồng sầu riêng an toàn mang lại hiệu quả nên anh đã mạnh dạn bàn với gia đình vay thêm nguồn vốn Quỹ hỗ trợ Nông dân; Ngân hàng Chính sách xã hội và cộng với số vốn tích lũy hiện có mua thêm 1ha vườn để trồng sầu riêng.
Trong năm 2022, sầu riêng là một trong những mặt hàng được chọn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Không riêng vì anh Tuấn mà hầu hết nông dân trong địa phương đều rất phấn khởi, vui mừng vì trái sầu riêng của chính người dân làm ra, nâng cao giá trị của nền nông nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Từ lứa trái sầu riêng đầu tiên cắt bán, đến nay anh Tuấn luôn bán với giá bán sầu riêng ở mức cao, cho thu nhập tốt hơn hẳn.
Bên cạnh trồng sầu riêng giỏi, hỗ trợ kinh nghiệm trồng sầu riêng cho bà con, gia đình anh Tuấn luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động phong trào do địa phương cũng như Hội Nông dân phát động, hàng năm đều được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu.