Đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái về sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Tỉnh Đắk Nông chủ động trong đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về sửa đổi Hiến pháp năm 2013, xem đây là nhiệm vụ cấp thiết để bảo vệ tiến trình dân chủ, tạo đồng thuận xã hội.
Chủ động đấu tranh trên không gian mạng
Cùng cả nước, tỉnh Đắk Nông đang khẩn trương tiến hành lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Việc sửa đổi lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có nội dung sửa đổi Hiến pháp bằng những thông tin sai lệch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Trên các nền tảng mạng xã hội, không ít tài khoản giả mạo đã đăng tải các bài viết phủ nhận vai trò của Nhân dân trong quá trình tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp. Với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, các tổ 35 từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời chia sẻ nhiều nội dung liên quan việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Trọng tâm là mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp; đồng thời giới thiệu, phân tích các nội dung sửa đổi; phương thức góp ý...
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy cho biết: “Việc cần làm hiện nay để bảo vệ công cuộc sửa đổi Hiến pháp đó là nội dung đăng tải phải thống nhất, chính xác; hình thức phải đa dạng; ghi nhận, phản ánh đầy đủ ý kiến của công dân; giải thích các ý kiến có nhận thức chưa đúng và phản bác các quan điểm cố tình xuyên tạc, chống phá”.

Phát huy vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh bảo vệ việc sửa đổi Hiến pháp, Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trang thông tin điện tử tỉnh Đắk Nông và nhiều trang điện tử các sở, ngành, địa phương đã thường xuyên đăng tải, mở chuyên mục, chuyên trang với nhiều bài viết liên quan đến việc góp ý sửa đổi Hiến pháp, ý nghĩa, mục đích, nội dung cần sửa đổi, so sánh giữa Hiến pháp năm 2013 và dự thảo nNghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013…
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, các bài viết, chuyên đề, chương trình phát thanh, truyền hình đã kịp thời phản ánh chân thực quá trình lấy ý kiến Nhân dân, phủ xanh thông tin tích cực, góp phần lan tỏa thông tin chính thống, định hướng dư luận một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Một trong những thách thức lớn hiện nay là tốc độ lan truyền của thông tin “xấu”, “độc” trên không gian mạng rất nhanh, trong khi phản ứng của một số cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội còn chưa thực sự linh hoạt, đồng bộ. Vì vậy, các cơ quan chức năng chủ động giám sát, phát hiện, xử lý các bài viết, video, tài khoản có nội dung sai lệch, thù địch, đặc biệt là trong thời gian diễn ra lấy ý kiến Nhân dân.
Các lực lượng chức năng về an ninh mạng phối hợp với các nền tảng số, công nghệ, áp dụng các giải pháp kỹ thuật hiện đại để nhận diện sớm và bóc gỡ kịp thời; đồng thời, cần có lực lượng chuyên trách để phản bác các quan điểm sai trái bằng lý lẽ xác đáng, ngôn ngữ gần gũi, phù hợp từng đối tượng tiếp nhận.
Sâu sát, nắm tình hình dư luận
Ban tuyên giáo và dân vận các cấp chú trọng định hướng dư luận xã hội, nắm bắt tình hình Nhân dân, xem đây là một trong những cách hiệu quả trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, dân vận phối hợp sâu sát cơ sở, nhất là những địa bàn đông dân tộc thiểu số để hướng dẫn người dân tham gia góp ý. Công tác nắm bắt dư luận xã hội được các cấp, ngành đổi mới theo hướng kết hợp nhiều nguồn, nhiều kênh thông tin khác nhau, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện.

Theo ông Hoàng Văn Tám, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Cư Jút, bên cạnh đấu tranh, phản bác, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, mục tiêu của việc sửa đổi Hiến pháp đóng vai trò quan trọng. Khi người dân hiểu rõ đây là một bước đi cần thiết để phù hợp với tình hình mới, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, thì các luận điệu xuyên tạc sẽ tự biến mất. Ông Tám cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị cơ sở cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận, đặc biệt hướng đến giới trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số”.
Bà Hà Thị Hạnh, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông cho rằng, MTTQ là tổ chức đại diện quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho Nhân dân. Hơn nữa, việc sửa đổi Hiến pháp lần này có ý nghĩa quan trọng liên quan rất lớn đến tổ chức MTTQ, các tổ chức thành viên. Do đó, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên vào cuộc đồng bộ, chủ động đưa thông tin chính thống đến tận cơ sở. Đội ngũ cán bộ mặt trận cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động để các tầng lớp Nhân dân đều phát huy được quyền, đóng góp tiếng nói vào sửa đổi nội dung Hiến pháp năm 2013.
“Việc làm này không chỉ thể hiện tinh thần dân chủ, cầu thị mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về sự tham gia thực chất, rộng rãi của Nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật, qua đó, góp phần bác bỏ những luận điệu sai trái”, bà Hạnh thông tin.

Theo Thiếu tá Đỗ Thế Anh, Phó Trưởng Công an xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, hiện nay, lực lượng công an xã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng các trang mạng xã hội một cách đúng đắn như facebook, zalo, youtube… cũng như ứng dụng VNeID để tham gia góp ý. Qua tuyên truyền, hướng dẫn, người dân hiểu rõ và thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013.
“Thuận lợi của việc góp ý thông qua ứng dụng VNeID là chúng tôi theo dõi, nắm bắt kịp thời những góp ý, bình luận sai trái nhằm chống phá hoặc là nói xấu về sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Qua thống kê sơ bộ, hiện nay, đa số cán bộ, công nhân, viên chức, giáo viên và người dân trên địa bàn xã Đắk Ha đều tán thành, thống nhất và đồng thuận cao với việc sửa đổi Hiến pháp này”. Thiếu tá Đỗ Thế Anh cho biết.
Cũng theo ông Hoàng Mạnh Thắng, các thế lực thù địch chắc chắn sẽ lợi dụng việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp để chống phá, xuyên tạc với nhiều phương thức, thủ đoạn. Do đó các cấp ủy, tổ chức đảng cần chủ động hướng dẫn, thường xuyên theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện và nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn; đồng thời kịp thời định hướng, giải thích các ý kiến, quan điểm chưa đúng; kiên quyết phản bác, vạch trần âm mưu chống phá đối với các luận điểm xuyên tạc.

“Các cấp, ngành, địa phương cần chủ động “phủ xanh” thông tin tích cực, thông tin chính thống trên các kênh truyền thông; đồng thời chỉ đạo, đề xuất xử lý ngay các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật (nếu có) để làm sạch môi trường không gian mạng và góp phần bảo vệ thành công công cuộc sửa đổi Hiến pháp”, ông Hoàng Mạnh Thắng đề nghị.