Đầu ra cà phê Đắk Nông-Đường lớn đã mở
Nhu cầu mua tăng cao, nhiều kênh tiêu thụ nên người trồng cà phê Đắk Nông không lo về đầu ra, chủ động hơn trong việc bán sản phẩm.
Đa dạng kênh tiêu thụ
Chúng tôi về huyện Tuy Đức đúng vào thời điểm đầu vụ thu hoạch cà phê. Nhiều vườn cà phê đang chín bói, có vườn đã chín rộ, vùng quê rộn ràng vào mùa thu hoạch.
Ở các vườn đang thu hái vọng lên tiếng nói cười hòa lẫn âm thanh hạt cà phê rơi, càng làm không khí buổi sớm mai thêm vui tươi, trong trẻo.
Gần trưa, từng nhóm thanh niên tập kết những bao cà phê nặng trĩu ra đầu rẫy để vận chuyển về sân phơi của đại lý thu mua cà phê.
Cũng như nhiều hộ trồng cà phê ở huyện Tuy Đức, gia đình anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Đắk Búk So năm nay cũng đón một vụ cà phê được mùa, được giá. Hơn một tháng nay, từ khi vườn cà phê chín bói, anh Thanh đã hái lựa đến đâu bán hết đến đó.
Theo anh Thanh, gia đình có gần 2ha cà phê. Những năm trước, do đường đi lại khó khăn nên thương lái thường mua thấp hơn từ 2 – 3 giá so với địa bàn trung tâm.
Nhưng năm nay tình hình mua bán cà phê diễn biến khác. Nhờ các kênh thông tin báo giá cà phê từng ngày nên dù bán tại rẫy anh vẫn biết giao dịch với giá thị trường chung.
“Bây giờ đang còn hái bói, ít hôm nữa cà phê chín rộ, tôi vẫn không lo lắng tìm nơi bán cà phê. Vì mấy ngày qua, tôi nhận khá nhiều cuộc gọi hỏi mua cà phê, nhưng tôi chưa đồng ý. Tôi nghĩ đến lúc đó thuận mua vừa bán thôi, nên không vội”, anh Thanh cho biết.
Theo giá niêm yết từ Sàn Giao dịch cà phê Việt Nam, ngày 20/11/2024, giá cà phê ở mức 113.800 đồng/kg. Ngày 26/11/2024, giá cà phê tăng lên trên 120.000 đồng/kg. Như vậy, giá cà phê đang biến động theo chiều hướng tăng.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Quyết ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong có hơn 4ha cà phê. Hơn một tuần nay, ông Quyết bán hơn 1 tấn cà phê tươi với giá 27.500 đồng/kg.
Theo ông Quyết, giá trên cao gấp 3 lần những năm trước nên gia đình tranh thủ bán sớm, thay vì chọn để lại, phơi khô như mọi năm. Đây là năm đầu tiên ông Quyết bán cà phê tươi, sáng hái chiều lấy tiền, không phải lo cảnh phơi phóng, kho dự trữ, phập phòng lo giá cả thị trường.
"Bán cà phê tươi giúp tôi giảm rất nhiều chi phí, công sức. Mọi năm xong vụ thu hoạch cà phê, tôi như mới ốm dậy. Năm nay, mọi công đoạn thu hái diễn ra nhanh chóng, tôi dành sức cho việc chăm sóc, tưới tắm sắp tới", ông Quyết cho biết.
Bà Nguyễn Thị Luận, chủ một cơ sở thu mua cà phê ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong cho biết, do giá cà phê đầu vụ đạt mức cao hơn hẳn mọi năm nên nhiều nhà vườn đang có tâm lý thu hoạch sớm để bán tươi.
Một số ngày đầu vụ, do tâm lý nôn nóng, bà con hái cà phê xanh nhiều. Đến nay, các đại lý, doanh nghiệp ưu tiên mua cà phê có tỷ lệ chín cao nên việc hái cà phê xanh, non đã được hạn chế.
“Nông dân thấy giá cao nên ai cũng tranh thủ bán đi một phần. Vừa được giá cao, vừa đỡ tốn công phơi, lại có tiền trả cho nhân công, khỏi phải ký gửi, chốt lấy tiền trước như mọi năm”, bà Luận chia sẻ.
Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng, Đắk Nông có khoảng 1.300 đại lý, công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực mua bán, chế biến nông sản, trong đó có cà phê. Ngoài ra, tỉnh đang liên kết với hàng trăm đối tác thu mua, xuất khẩu nông sản.
Dần chuyên nghiệp hóa khâu tiêu thụ
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Đắk Nông, hiện nay, chuỗi cung ứng trong nông nghiệp của địa phương còn mang dáng dấp tập quán truyền thống, đặc biệt là chuỗi ngành hàng cà phê.
Với phương thức sản xuất, mua bán lâu đời là thu hoạch xong ra đầu ngõ là có người mua. Sau đó, người mua gom lại mang về bán lại cho các cơ sở, đại lý… Do qua nhiều tầng nấc trung gian nên việc minh bạch trong tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
Để hạn chế tình trạng mua bán cà phê tùy tiện ở vùng nông thôn, những năm qua, HTX Nông nghiệp - Dược liệu - Dịch vụ Thương mại Thịnh Phát, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong đã hướng dẫn nông dân kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện nay, HTX đang hỗ trợ cho 30 hộ thành viên tham gia chương trình cà phê cảnh quan bền vững do ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai. HTX cũng vận động nông dân trong vùng hái chín, sơ chế, phơi sạch, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê”.
Là một công ty xuất khẩu lớn tại tỉnh Đắk Nông, Công ty CP Intimex Đắk Nông đã thu gom cà phê qua đại lý trung gian, các doanh nghiệp thu mua địa phương, các HTX, nông dân bán trực tiếp.
Việc kết nối tiêu thụ này đã giúp tạo ra một chuỗi thu mua chặt chẽ từ nông dân trồng cà phê đến người tiêu dùng, bảo đảm các bên trong chuỗi cung ứng được hưởng lợi và hợp tác lâu dài.
Từ năm 2022 – 2024, công ty đã thu mua trên 61.873 tấn cà phê, sản lượng xuất khẩu trên 59.272 tấn, đạt kim ngạch trên 131,7 triệu USD. Trong đó, công ty xuất khẩu sang các nước như: Đức, Nga, Tây Ban Nha, Ý, Hà Lan, Pháp trên 46.700 tấn; Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia hơn 11.800 tấn cà phê…
“Lợi ích mang lại trong việc kết nối tiêu thụ với thị trường nước ngoài không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân, doanh nghiệp mà còn góp phần vào phát triển bền vững và tăng trưởng ngành cà phê Việt Nam”, ông Hồ Hoài Đức, đại diện Intimex Đắk Nông cho biết.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, nông dân, HTX, doanh nghiệp cà phê Đắk Nông đang có những chuyển biến, chuyên nghiệp hóa trong tiêu thụ cà phê. Nông dân thường tham gia HTX để mua chung, bán chung sản phẩm cà phê.
Còn các HTX, doanh nghiệp thường liên kết với các đối tác để tạo nên chuỗi cung ứng cả đầu vào và đầu ra cho cà phê. Sự chuyên nghiệp này đang góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng, giá trị cho cà phê Đắk Nông.