Dấu mốc củng cố quan hệ Việt Nam – Peru
Chuyến thăm Peru của Chủ tịch nước Lương Cường vào tháng 11 năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng do diễn ra trùng khớp vào dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Peru kể từ khi chính thức thiết lập ngày 14/11/1994.
Mốc son mới
Chuyến thăm đánh dấu mốc son mới, cho thấy sự quan tâm của cả hai quốc gia trong việc thắt chặt mối quan hệ và tăng cường hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như thương mại, viễn thông, nông nghiệp và du lịch. Trong những năm qua, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước đã phát triển trên cả phương diện trao đổi văn hóa mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Peru Dina Boluarte để thảo luận về các chủ đề quan trọng trong quan hệ song phương. Cũng trong dịp này, sẽ có các cuộc gặp cấp cao với các bộ trưởng, Quốc hội và cơ quan Tư pháp Peru để tăng cường tình hữu nghị và thúc đẩy quan hệ với các đối tác Việt Nam. Những cuộc gặp này cũng sẽ mở ra các triển vọng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chuyến thăm mang đến cho cả hai nước cơ hội thống nhất về các chương trình nghị sự rộng hơn trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam và Peru là thành viên cùng chia sẻ các cam kết thúc đẩy ổn định kinh tế, độ mở thương mại và hợp tác đa phương.
Quan hệ song phương ngày càng sâu sắc hơn
Ba thập kỷ qua, Việt Nam và Peru đã phát triển mối quan hệ mang tính xây dựng cùng có lợi, được đánh dấu thông qua các hoạt động hợp tác kinh tế ngày càng phát triển, giao lưu văn hóa và hợp tác trên các cơ chế đa phương như APEC và CPTPP. Gần đây, quan hệ song phương càng trở nên sâu sắc hơn nữa khi Peru trở thành Đối tác phát triển của ASEAN, phản ánh cam kết chung trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực và ổn định kinh tế.
Vị thế này đã mở rộng cơ hội cho Peru hợp tác với Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác về các vấn đề phát triển kinh tế, thương mại và giao lưu văn hóa, củng cố vai trò chiến lược của Peru trong việc kết nối khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ Latinh.
Về hợp tác song phương, trong những năm gần đây, Peru và Việt Nam đã ký kết 8 thỏa thuận hợp tác về văn hóa, khoa học và công nghệ, phòng chống ma túy và thủy sản... làm nền tảng, bệ phóng cho cả hai nước tăng cường hợp tác trong những năm tới.
Từ năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã vượt 500 triệu USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Peru tại Đông Nam Á. Trao đổi thương mại song phương đạt hơn 700 triệu USD vào năm 2023; từ tháng 1 đến tháng 8/2024 đạt 509 triệu USD so với 483 triệu USD cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam xuất khẩu thiết bị điện tử và giày dép sang Peru, trong khi Peru xuất sang Việt Nam nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm kẽm, bột cá, gỗ, hải sản, hạt diêm mạch, hạt chia và quả nho tươi. Quan hệ thương mại Việt Nam-Peru mang tính tương hỗ, ở đó mỗi nước tận dụng thế mạnh sản xuất của mình để đáp ứng nhu cầu thị trường của nhau.
Đầu tư của Việt Nam là nhân tố then chốt gắn kết quan hệ song phương, đặc biệt phải kể tới công ty Bitel và PetroVietnam. Bitel, công ty của Tập đoàn Viettel, năm nay vừa kỷ niệm 10 năm thành lập tại Peru, đánh dấu một thập kỷ đóng góp đáng kể vào ngành công nghiệp kỹ thuật số ở Peru. Kể từ khi được thành lập vào năm 2014, Bitel đã tập trung vào việc mở rộng cơ sở hạ tầng viễn thông, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, cung cấp các dịch vụ di động và Internet ở mức giá phải chăng.
PetroVietnam đã tìm hiểu và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Peru, tập trung vào thăm dò và khai thác dầu khí. Các dự án đầu tư này không chỉ củng cố hợp tác kinh tế mà còn định vị Việt Nam là đối tác chiến lược trong thúc đẩy các lĩnh vực năng lượng và công nghệ của Peru. Nhìn về tương lai, cả hai nước đều đã ở vị thế sẵn sàng để tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương.
Triển vọng tăng trưởng trong quan hệ song phương bao gồm củng cố quan hệ thương mại thông qua việc tiếp tục cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ của CPTPP cũng như tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển bền vững và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Ngoài ra, hai nước còn có cơ hội giao lưu văn hóa và du lịch bởi cả hai bên đều nhận thấy giá trị trong việc quảng bá di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên của mỗi bên.
Dự kiến trong thời gian làm việc tại Peru, Chủ tịch nước sẽ dự lễ đón chính thức do Tổng thống Peru chủ trì; có các cuộc hội đàm, hội kiến với lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội Peru. Cùng với đó, Chủ tịch nước sẽ cùng lãnh đạo các nền kinh tế thành viên tham dự Hội nghị cấp cao APEC; dự và có các bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC – CEO Summit, đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC và khách mời cùng nhiều hoạt động song phương khác.