Sau khi Báo phản ánh, cơ quan chức năng, trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra thực tế và có kết quả thông báo nhanh rằng: Những thông tin Báo phản ánh là sai sự thật, thực tế qua kiểm tra chỉ phát hiện được vài chục trụ tiêu và cơ quan chức năng đang lập biên bản để xử lý.
Nếu xét theo trình tự kể trên thì việc lập đoàn kiểm tra sau khi có thông tin Báo phản ánh, đồng thời có kết quả thông báo nhanh là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, sự việc không hẳn như vậy.
Thứ nhất, khi biết cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra, phóng viên viết bài phản ánh đề nghị đi theo Đoàn, được chấp thuận, nhưng rốt cuộc không thành. Lý do sau đó được trả lời là “Đoàn kiểm tra đi sớm quá, lúc 4 giờ sáng”.
Thứ hai, trong Công văn số 307/KL-TTPC ngày 9/5/2015 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh về kết quả kiểm tra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, ngoài Báo Đắk Nông thông tin không đúng sự thật, thì còn có một số báo Trung ương, không đi thực tế, lấy lại nội dung Báo Đắk Nông để đăng dẫn đến càng không đúng sự thật. Và để đúng sự thật như cơ quan chức năng nói, sau đó không lâu, bằng mọi cách, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên đã cung cấp thông tin cho một số cơ quan báo Trung ương nói trên thông tin ngược lại 100% như ban đầu, với tít bài rất keo và chắc nịch rằng “Bảo vệ nghiêm ngặt 14.000 ha rừng phòng hộ Nam Cát Tiên”.
Vậy sự thật thế nào ? Để chứng minh sự thật, phóng viên Báo Đắk Nông đã trở lại rừng phòng hộ Nam Cát, đi tìm hiểu tại nhiều tiểu khu đã chứng kiến cảnh tàn phá nghiêm trọng ( Phóng sự số 102, Báo Đắk Nông ra ngày 21/5/2015). Ngoài ra còn có phóng sự trên truyền hình Internet Báo Đắk Nông ( Chương trình phát sóng thứ Sáu, ngày 22/5/2015) để chứng minh một cách chắc chắn rằng, rừng phòng hộ Nam Cát Tiên bị tàn phá chứ không được bảo vệ nghiêm ngặt như cơ quan chức năng đã khẳng định (?).
Đến đây chúng tôi không bình luận gì thêm nữa, chắc rằng bạn đọc sẽ tìm được câu trả lời cho riêng mình!