Đời sống

“Đầu cơ nghiệp” giúp thoát nghèo ở xã biên giới Đắk Nông

Đặng Dương 28/05/2024 - 05:36

Là một trong những địa bàn được cấp phát bò giống nhiều nhất tỉnh Đắk Nông, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đang tập trung phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ này, giúp người dân vùng biên từng bước thoát nghèo.

ADQuảng cáo

Thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ đầu năm 2024 tới nay, xã Quảng Trực đã hỗ trợ 125 con bò giống cho 125 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn.

Với phương châm “cho cần câu, không cho con cá”, việc hỗ trợ bò giống, tạo sinh kế đã cho thấy hiệu quả bước đầu, tăng thêm cơ hội cải thiện sản xuất, giúp các hộ dân thoát nghèo bền vững.

giam-ngheo.jpg
Anh Nguyễn Minh Nhường được hỗ trợ một con bò giống để thoát nghèo hiệu quả

Là một trong những hộ được hỗ trợ bò giống, anh Nguyễn Minh Nhường, bon Đắk Huýt, phấn khởi vì bò được cấp phát khỏe mạnh, ăn uống tốt, thích ứng với môi trường mới.

Anh Nhường cho biết, năm 2020, gia đình anh thuộc hộ nghèo nên được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, mua 2 con bò. Sau một thời gian, 2 bò mẹ đã sinh sản. Được cấp phát thêm một con bò giống, đàn bò của gia đình đã tăng lên 4 con, trong đó có cả bò đực, bò cái.

Hàng ngày, ngoài thức ăn tinh và cỏ voi được trồng quanh nhà, anh Nhường còn tận dụng quả mít có sẵn trong vườn để làm thức ăn cho bò. Với cách làm này, không chỉ tiết kiệm được chi phí chăm sóc, gia đình anh Nhường còn tiết kiệm được cả chục triệu đồng tiền mua phân bón.

Anh Nguyễn Minh Nhường cho hay: “Với 3 con bò, mỗi năm tôi ủ được khoảng 7,5m³ phân chuồng. Từ đầu năm tới nay có thêm một con bò giống nữa, ước tính cuối năm tôi có khoảng 10m³ phân chuồng. Có phân bò, vườn cà phê được bón phát triển tốt hơn, cho năng suất cao hơn”.

giam-ngheo-7.jpg
Người dân phấn khởi khi được hỗ trợ bò

Bà Thị Khuân, bon Đắk Huýt được hỗ trợ 1 con bò giống từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Lần đầu tiên làm quen với chăn nuôi nhưng nhờ cán bộ thú y tập huấn kỹ thuật, bà Thị Khuân chăm sóc bò rất tốt. Bò khỏe mạnh, lớn nhanh và đang trong giai đoạn mang bầu. Bà Thị Khuân phấn khởi khi có thêm sinh kế: “Con bò là tài sản giá trị với gia đình tôi. Chúng tôi hy vọng chỉ 1-2 năm tới sẽ thoát được nghèo, góp phần phát triển kinh tế vùng biên giới Quảng Trực”.

Thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, các hộ dân ở xã Quảng Trực được lựa chọn con giống chất lượng tốt, phù hợp với cơ chế, chính sách và điều kiện chăn nuôi. Song song với việc hỗ trợ con giống, nhân viên thú y xã đồng hành, hỗ trợ người dân về khoa học - kỹ thuật để chăn nuôi hiệu quả.

Đặc biệt, một số hộ được hỗ trợ bò đã thực hiện mô hình nuôi chung giúp tiết kiệm nhân công. Đây được xem là “tổ chăn nuôi” đầu tiên tại tỉnh Đắk Nông. Qua đó, tổ đã phát huy được hiệu quả, sự đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hộ dân trong quá trình chăn nuôi.

Ông Điểu Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trực thông tin, hiện địa phương là một trong những nơi có tổng đàn trâu, bò nhiều nhất ở huyện Tuy Đức, với trên 1.000 con. Trong đó, chiếm phần lớn là bò giống được cấp phát từ các dự án giảm nghèo, chương trình hỗ trợ, tài trợ. Bò trở thành “đầu cơ nghiệp” của nhiều hộ nghèo trong xã, giúp họ có thêm điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

giam-ngheo-6.jpg
Bò trở thành “đầu cơ nghiệp” của nhiều hộ nghèo trong xã Quảng Trực

“Cấp phát bò giống là hướng đi đúng giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Việc hỗ trợ bò giống cho người dân còn góp phần chủ động con giống, đáp ứng nhu cầu tại địa phương, góp phần sử dụng hiệu quả lao động nông nhàn gắn với việc chăn nuôi tận dụng phụ phẩm nông nghiệp”, ông Điểu Khanh cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đầu cơ nghiệp” giúp thoát nghèo ở xã biên giới Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO