Việt Nam-Liên hợp quốc: Những chặng đường phát triển
Cách đây tròn 46 năm, ngày 20/9/1977 đánh dấu mốc Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Ngay sau khi tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên để Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Mặt khác, Việt Nam cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của Liên hợp quốc phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ngày 20/9/1977, Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Trong giai đoạn Việt Nam vừa phải giải quyết những hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải tổ chức lại nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu và từng bước khôi phục sản xuất, Liên hợp quốc đã tích cực giúp Việt Nam giải quyết những khó khăn nhiều mặt với tổng viện trợ đạt hơn 500 triệu USD, hỗ trợ đáng kể về các hạng mục phát triển xã hội, góp phần nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ về khoa học-kỹ thuật ở Việt Nam, phục hồi và xây dựng mới một số cơ sở sản xuất, tăng cường năng lực phát triển. Đồng thời, trong bối cảnh bao vây cấm vận, hợp tác với Liên hợp quốc tạo điều kiện để nước ta tiếp cận được nguồn viện trợ của nhiều nước phương Tây.
Trong giai đoạn thực hiện đường lối Đổi mới (1986-2011), các dự án hợp tác của Liên hợp quốc là nguồn hỗ trợ đáng kể cho Việt Nam trong việc xây dựng chính sách phát triển, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan và trình độ cán bộ trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới; đồng thời Liên hợp quốc tiếp tục có những đóng góp có giá trị đối với việc nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, phát triển nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật, và giải quyết các vấn đề xã hội khác của Việt Nam.
>>> Xem thêm: Việt Nam-Liên hợp quốc
Trong giai đoạn hợp tác 2001-2005, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Liên hợp quốc chuyển mạnh hướng hỗ trợ kỹ thuật sang hỗ trợ các biện pháp cải cách về chính sách và thể chế kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, hành chính công, luật pháp, lập kế hoạch đầu tư công, phát triển hệ thống ngân hàng, đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực khác như phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, tổ chức hàng năm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ...
Những ưu tiên chính trong giai đoạn này là thúc đẩy cải cách, tư vấn trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi nhiều bộ luật quan trọng, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ thực hiện Chương trình 135, lồng ghép với việc thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), hỗ trợ trong các nỗ lực bảo vệ thiên nhiên, nâng cao nhận thức của người dân về môi trường, xây dựng chiến lược và chính sách, nâng cao năng lực quản lý tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường và đa dạng sinh học.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đến thăm dự án Chăm sóc, bảo vệ và ngăn ngừa HIV tại Trung tâm Y tế huyện Từ Liêm, Hà Nội, chiều 29/10/2010. (Ảnh: TTXVN) |
Trong giai đoạn 2007-2011, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hoá, Việt Nam đã tăng cường mạnh mẽ quan hệ với các tổ chức Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế. Hoạt động nổi bật nhất trong giai đoạn này là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia vào các cơ chế hoạch định chính sách của Liên hợp quốc như: Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1997, thành viên Hội đồng chấp hành UNDP/UNFPA (nhiệm kỳ 2000-2002), thành viên Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) (1998-2000).
Ngày 25/9/2009, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Khóa họp 64 Đại hội đồng Liên hợp quốc với chủ đề "Không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân". (Ảnh: TTXVN) |
Việt Nam tích cực thương lượng và trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC) năm 1998, tham gia đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996, tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị (CD) năm 1996.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng sớm tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các Hội nghị lớn như Hội nghị Kiểm điểm NPT 2000, 2005, 2010; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ năm 2001, 2003...
Trong giai đoạn này, Việt Nam đã tích cực phối hợp với các tổ chức phát triển Liên hợp quốc thực hiện thí điểm sáng kiến “Một Liên hợp quốc”, được cộng đồng các nhà tài trợ đánh giá cao. Trong khuôn khổ Sáng kiến Thống nhất hành động - Một Liên hợp quốc (DaO), Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc tích cực phối hợp triển khai Kế hoạch chung tiếp theo của Liên hợp quốc giai đoạn 2012-2016, phù hợp với dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội (SEDP) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (SEDS) của Việt Nam.
Tòa nhà Xanh Liên hợp quốc tại Việt Nam là ngôi nhà sử dụng năng lượng hiệu quả, thân thiện môi trường. (Ảnh: Liên hợp quốc tại Việt Nam) |
Một cấu phần quan trọng của Sáng kiến Thống nhất hành động - Một Liên hợp quốc là Một Ngôi nhà chung, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng Ngôi nhà Xanh chung Liên hợp quốc tại Hà Nội. Đây là Ngôi nhà chung Liên hợp quốc đầu tiên thân thiện với môi trường, được khánh thành nhân dịp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon thăm Việt Nam tháng 5/2015.
Là 1 trong 8 nước thí điểm triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động trên thế giới, nhìn chung, sáng kiến này đã đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường gắn kết hệ thống của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016) và thành viên của ECOSOC (nhiệm kỳ 2016-2018). Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Giai đoạn 2017-2021 đến nay, hai bên đã hoàn thành Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Một Liên hợp quốc đã được ký tháng 7/2017, nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).
Năm 2015, tổng kết 15 năm thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs), Việt Nam đã hoàn thành sớm 3 mục tiêu quan trọng trong tổng số 8 mục tiêu, đó là: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói (MDG1); Phổ cập giáo dục tiểu học (MDG2); Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ (MDG3). (Ảnh: TTXVN) |
Hiện nay, Việt Nam đã thông qua các Chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) giai đoạn 2022-2026 và Khung hợp tác phát triển bền vững Việt Nam- Liên hợp quốc giai đoạn 2022-2026.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã tham gia, thúc đẩy các sáng kiến đa phương quan trọng, nổi bật là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết tại Hội nghị COP 26 về việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tham gia Cam kết toàn cầu giảm phát thải methan, Tuyên bố Glasgow các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch và Liên minh Hành động thích ứng toàn cầu.
Việt Nam cũng phối hợp tốt với Liên hợp quốc trong công cuộc chống đại dịch Covid-19. Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua về việc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh.
Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã tiếp nhận viện trợ hơn 61,7 triệu liều vaccine thông qua Chương trình COVAX và vật tư y tế trị giá 45 triệu USD từ các tổ chức Liên hợp quốc. Việt Nam đã đóng góp 50 nghìn USD cho Quỹ ứng phó Covid-19 của Liên hợp quốc và 1 triệu USD cho COVAX và đang chuẩn bị đóng góp tự nguyện thêm 500 nghìn USD cho COVAX, trở thành điểm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân theo cơ chế MEDEVAC của Liên hợp quốc.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, Việt Nam cũng đã đóng góp 500 nghìn USD cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi chiến sự tại Ukraine.
Tăng cường vai trò, tiếng nói, “dấu ấn” Việt Nam
Quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc trong hơn 40 năm qua đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của nước ta với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè, tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Sau gần nửa thế kỷ đồng hành cùng Liên hợp quốc, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào nỗ lực chung của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người.
Việt Nam đã tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2018 và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước.
Cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 lên đường sang Phái bộ Nam Sudan. (Ảnh: TTXVN) |
Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử 493 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sundan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc; triển khai 4 lượt Bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ ở Nam Sundan và 1 đội công binh tại Phái bộ ở Abyei (khu vực tranh chấp giữa Nam Sundan và Sundan); là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.
Mặt khác, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của Liên hợp quốc, trong đó có đề cao vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên hợp quốc về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.
Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên hợp quốc, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai Sáng kiến Thống nhất hành động của Liên hợp quốc nhằm tăng hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc ở cấp độ quốc gia.
Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung (giữa trái) nhận lời chúc mừng của đại diện ngoại giao các nước sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy Việt Nam được bầu chọn là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, tại New York, Mỹ ngày 7/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc và ghi được nhiều “dấu ấn” Việt Nam tại các cơ quan như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021), thành viên Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) 2021-2023, Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77 (9/2022-9/2023); các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) (Hội đồng Chấp hành UNESCO 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của biểu đạt văn hóa 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2022-2026); Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) 2023-2027; Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025; Ủy ban pháp lý và kỹ thuật của Cơ quan quyền lực đáy đại dương (LTC) nhiệm kỳ 2023-2027.
Nhân chuyến thăm Việt Nam vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc hồi tháng 10/2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres bày tỏ sự ngưỡng mộ với Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong vượt qua những khó khăn sau chiến tranh, đạt được những thành tựu phát triển to lớn, nhất là sự phát triển đi cùng với việc thúc đẩy bình đẳng và phát triển bao trùm.
Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực và đa dạng, từ việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, là sứ giả của hòa bình, là một quốc gia luôn phấn đấu vì sự đoàn kết.
Ngày 22/10/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres trong chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam tham gia Liên hợp quốc. (Ảnh: VGP) |
Việt Nam luôn thể hiện lập trường nguyên tắc trên những vấn đề về bảo vệ hòa bình, phát triển bền vững, đề cao Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, nhất là những nguyên tắc cơ bản nhất, và Việt Nam cũng tích cực hợp tác cùng Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp vai trò tích cực với những thành công, những bài học kinh nghiệm của mình không chỉ trong đấu tranh vì độc lập, vì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong tái thiết, trong phát triển mà còn trong thực hiện các mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực và đa dạng, từ việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, là sứ giả của hòa bình, là một quốc gia luôn phấn đấu vì sự đoàn kết.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres
Đánh giá về vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis cho rằng, kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc vào tháng 9/1977, Việt Nam đã chuyển từ một quốc gia phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Liên hợp quốc trở thành một quốc gia đóng góp mạnh mẽ vào chương trình nghị sự của khu vực và toàn cầu; thể hiện vai trò là thành viên ngày càng tích cực của cộng đồng quốc tế, trong đó có những đóng góp cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh của Liên hợp quốc.
Trong 45 năm qua, từ giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc có ý nghĩa to lớn và tác dụng tích cực, đáp ứng yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và “dấu ấn” đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc.
Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới.
Các mốc chính trong quan hệ Việt Nam-Liên Hợp quốc. (Đồ họa: NGỌC BÍCH) |
Thực hiện: TRUNG HƯNG
Nguồn tư liệu: Bộ Ngoại giao, Báo Nhân Dân, VGP, TTXVN