Đời sống

Dấu ấn văn hóa, thể thao, du lịch Đắk Nông

Mỹ Hằng 15/01/2024 13:58

Ngành VH-TT-DL Đắk Nông đã tạo nhiều dấu ấn tích cực, đóng góp những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh.

ADQuảng cáo

Phát huy giá trị văn hóa

Trong 20 năm qua, ngành VH-TT&DL đã không ngừng đổi mới, tăng cường công tác quản lý Nhà nước bằng việc tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các quy hoạch, chương trình, dự án, đề án về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Các hoạt động văn hóa được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia, hưởng thụ các sản phẩm văn hóa, rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật giữa các vùng, miền. Công tác quản lý, tổ chức hoạt động VH-TT&DL và gia đình trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, không xảy ra các vấn đề phức tạp. Môi trường văn hóa lành mạnh, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh được nâng lên.

hinh1-1-2-.jpg
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên (Ảnh: Chương trình giao lưu các câu lạc bộ văn Hoá văn nghệ năm 2023 do Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông tổ chức)

Công tác tuyên truyền, cổ động, triển lãm, văn hóa, văn nghệ luôn hướng về cơ sở, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và cả nước; qua đó đã tổ chức biểu diễn trên 1.300 buổi biểu diễn văn nghệ, gần 1.100 buổi chiếu phim phục vụ cơ sở và hơn 1.500 buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị.

Phong trào văn nghệ quần chúng được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động từ tỉnh đến cơ sở, một số hoạt động được tổ chức định kỳ như ngày hội VH-TT&DL; liên hoan dân ca, dân vũ các dân tộc; hội diễn nghệ thuật quần chúng; hội thi tuyên truyền lưu động,…

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm. Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã có 16 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 9 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh; 2 di sản cấp quốc tế là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

hinh1-2-(1).jpg
Văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa được gìn giữ, phát huy

Đắk Nông có 3 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục quốc gia gồm: Sử thi M’nông, Dân ca M’nông và Nghề truyền thống, nghề Dệt thổ cẩm của người M’nông. Đến nay, toàn tỉnh có 55 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân ưu tú gồm: 4 “Nghệ nhân Nhân dân”, 51 “Nghệ nhân ưu tú”.

Công tác sưu tầm được quan tâm và đầu tư, qua đó đã sưu tầm, lưu trữ được 44.500 hiện vật. Đặc biệt, địa phương tiếp nhận 1.976 hiện vật, cổ vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kinh tế, có niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 năm cho đến thế kỷ 20 do các tổ chức, cá nhân, các nhà sưu tập hiến tặng.

ADQuảng cáo

Đi đôi với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì triển khai có hiệu quả, rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, được các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng.

12341.png
Đồ họa: PT

Hoạt động thể thao quần chúng gắn liền với phong trào “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại” có những bước phát triển. Đắk Nông có 5 liên đoàn thể thao gồm: quần vợt, cầu lông, bóng bàn, karatedo và teakwondo.

Theo Sở VH-TT&DL, Đắk Nông có 29% trên tổng số dân toàn tỉnh và 20% số gia đình tham gia tập luyện thể thao thường xuyên. Thể thao thành tích cao đã có sự phát triển, từ năm 2004 đến nay, các đội tuyển thể thao của tỉnh đã tham gia các giải khu vực, toàn quốc và đạt được 631 huy chương các loại.

hinh1-1-1-(1).jpg
Các giải thể thao đỉnh cao được tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức góp phần nâng cao đời sống tinh thần Nhân dân. Ảnh: Giải vô địch bóng chuyền toàn quốc Cúp Hóa chất Đức Giang năm 2023 do tỉnh Đắk Nông đăng cai tổ chức

Khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Chú trọng phát triển du lịch, tỉnh đã xác định, lựa chọn 41 điểm di sản của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, để hình thành 3 tuyến du lịch; xây dựng 4 loại hình sản phẩm du lịch chính gồm: sản phẩm du lịch gắn liền với Công viên địa chất Đắk Nông; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch dựa vào cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng.

Ngành VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì; Bộ VH-TT&DL tặng 4 cờ thi đua xuất sắc; UBND tỉnh Đắk Nông tặng 3 cờ thi đua xuất sắc.

Các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh và công tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư chiến lược vào tỉnh. Trên địa bàn tỉnh, các khu, điểm du lịch hình thành rõ nét với các sản phẩm du lịch đặc trưng về du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái - danh thắng.

Mặt khác, để phát triển du lịch, ngành đã chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh đồng thời mở rộng các chương trình hợp tác phát triển du lịch và xây dựng, khai thác các sản phẩm thế mạnh của tỉnh nhằm tăng nhanh các chỉ tiêu về kinh doanh du lịch, dịch vụ, tăng số lượng khách du lịch đến với Đắk Nông.

Trong thời gian tới, ngành VH-TT&DL Đắk Nông tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trọng tâm, xây dựng văn hóa, con người Đắk Nông phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống; xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng, hấp dẫn khách du lịch đến với Đắk Nông, trong đó chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn văn hóa, thể thao, du lịch Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO