Di tích nhà làm việc của Đại sứ quán Cộng hòa Cuba và Nhà máy đường Cuba tại vùng biên giới thuộc huyện Tân Biên và huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) là minh chứng cho tình hữu nghị, đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc Cuba và Việt Nam.
Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/12/1960. Mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước là mối quan hệ đặc biệt. Theo đó, ngay sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, Cộng hòa Cuba là nước đầu tiên và duy nhất cử Đại sứ sang và trình Quốc thư lên Chính phủ.
Ngày 4/3/1969, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Cuba Raul Valdes Vivo trình Quốc thư cho đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được Cộng hòa Cuba giao nhiệm vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam.
Ngày 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình miền Nam Việt Nam.
Nơi làm việc của Đại sứ Cuba Raul Valdes Vivo đặt ngay tại Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời.
Ngày nay, nhà làm việc của Đại sứ Cuba đã được tỉnh Tây Ninh phục dựng lại đúng nơi làm việc của Đại sứ Cuba trong Khu Di tích Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên.
Cũng như những căn nhà làm việc khác của các lãnh đạo Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, căn nhà làm việc của Đại sứ Cuba lợp bằng lá trung quân - một loại lá cây có độ bền cao, sinh sống nhiều trong các khu rừng của tỉnh Tây Ninh.
Phía dưới căn nhà có một đường hầm dẫn ra ngoài cánh rừng để phòng tránh đạn bom của kẻ thù. Bên trong căn nhà hiện còn lưu giữ một số tư liệu hình ảnh quý về buổi làm việc, sinh hoạt giữa Đại sứ Cuba Raul Valdes Vivo với lực lượng Quân giải phóng.
Nói về tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc, bà Ariadne Feo Labra, Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Cuba tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sự kiện thành lập Đại sứ quán Cuba cách đây 55 năm tại vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, thuộc tỉnh Tây Ninh đã thể hiện sự chân thành của tinh thần ủng hộ, tình anh em giữa Việt Nam và Cuba trong chiến trận.
Bà Ariadne Feo Labra nhắc lại chính thông điệp trong lời nói của Đại sứ Cuba Raul Valdes Vivo khi trình Quốc thư, khi ấy đã nêu rõ những cảm xúc sống động, vinh dự khi trở thành phái đoàn ngoại giao đầu tiên và duy nhất được công nhận bởi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngoài ra, dấu ấn ngoại giao Việt Nam-Cuba tại Tây Ninh càng được sâu sắc hơn khi năm 1988 Chính phủ Cuba tặng cho nhân dân Việt Nam Nhà máy đường được xây dựng tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh).
Theo Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị tỉnh Tây Ninh, tháng 4/1988, Nhà máy đường Nước Trong (người dân thường quen gọi Nhà máy đường Cuba) được khởi công tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu và khánh thành ngày 24/12/1992, công suất 500 tấn mía cây/ngày.
Sau đó, theo đề nghị của Việt Nam, các chuyên gia Cuba đã giúp nâng công suất nhà máy lên 1.000 tấn mía cây/ngày.
Đến năm 1995, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm Tây Ninh, thăm nhà máy đường Nước Trong trong sự chào đón hân hoan của người dân và thiếu nhi tỉnh Tây Ninh.
Hiện nay, nhà máy vẫn còn hoạt động. Đây là món quà ý nghĩa của nhân dân Cuba dành tặng cho Việt Nam nói chung và nhân dân Tây Ninh nói riêng, đã giúp cho người dân Tây Ninh trong sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là ngành sản xuất mía đường.
Những công trình này, hiện trở thành “địa chỉ đỏ” trong mối quan hệ giao lưu hữu nghị, giáo dục truyền thống thế hệ trẻ giữa các đoàn công tác Cuba và Việt Nam trên mảnh đất vùng biên Tây Ninh.
Đồng thời cũng là minh chứng cho tình hữu nghị, đoàn kết, sự hỗ trợ giữa nhân dân và Chính phủ Cuba dành cho Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử về dấu ấn tình đoàn kết, gắn bó hai dân tộc Việt Nam-Cuba, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh Việt Nam và Cuba tuy cách nhau nửa vòng trái đất nhưng gần gũi ở lý tưởng cách mạng, sự nhiệt huyết hai dân tộc, mà biểu tượng cụ thể nhất qua hình ảnh của hai vị lãnh tụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro.
Mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam-Cuba là mối tình hữu nghị đặc biệt, thủy chung, trong sáng trong quan hệ quốc tế.
“Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình,” là câu nói bất hủ của Lãnh tụ Fidel Castro, thể hiện tình cảm sâu sắc, sự sẵn sàng hy sinh, sẻ chia của Cuba đối với tình đồng chí, anh em Việt Nam.
Cũng theo ông Trần Văn Chiến, trong những năm tháng chiến tranh, vượt qua khoảng cách xa xôi về địa lý, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, Cuba luôn sát cánh, hỗ trợ Việt Nam với tinh thần một người bạn chân thành, đồng chí tin cậy.
Cuba luôn là biểu tượng và đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Với khẩu hiệu “Tất cả vì Việt Nam,” phong trào đoàn kết với Việt Nam đã lan tỏa rộng khắp đất nước Cuba.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng nhận định mối quan hệ đoàn kết anh em trước sau như một, hợp tác toàn diện và tin cậy lẫn nhau giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam-Cuba vốn được các vị lãnh tụ của đất nước xây dựng và giữ vững trong khói lửa đấu tranh cách mạng và tiếp tục được khẳng định, gìn giữ trong thời đại ngày nay.
Mối quan hệ là tài sản vô cùng quý báu cho nhân dân hai nước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, nhân dân Cuba mãi mãi là người bạn chung thủy, sắc son cần trân trọng giữ gìn và thắt chặt.
Trong khi đó, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Cuba tại Thành phố Hồ Chí Minh Ariadne Feo Labra cũng nhấn mạnh: “Chúng ta rất vinh dự kế thừa những truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc.
Để bày tỏ sự tri ân lớn hơn đối với mối quan hệ tuyệt vời này, chúng ta cần phải giữ vững và phát triển hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc anh em gắn liền với hình ảnh của hai vị lãnh tụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro.
Tôi mong muốn tình đoàn kết, hữu nghị giữa Cuba và Việt Nam, đặc biệt giữa Cuba và Tây Ninh ngày càng bền chặt và rộng mở hơn.”./.