Kinh tế

Dấu ấn nông nghiệp công nghệ cao ở Đắk Nông

Hưng Nguyên 20/03/2024 09:06

Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đang tạo đột phá giúp sản xuất nông nghiệp ở Đắk Nông cho thu nhập cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

ADQuảng cáo

Ấn tượng những mô hình CNC

Anh Nguyễn Thế Độ ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có hơn 14,6 ha đất chuyên canh các loại cây ăn trái theo mùa, kết hợp với trồng điều, cây rừng. Ngoài đưa các giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, anh Độ còn đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC). Anh Độ đã đầu tư xây dựng hơn 7.000 m2 nhà màng trồng dưa lưới, dưa leo và nho.

dsc09579(1).jpg
Vườn dưa lưới của anh Độ chuẩn bị thu hoạch

Cụ thể, anh Độ trồng dưa lưới, dưa leo trên 4.000m2 nhà màng, mỗi năm thu hoạch 3 vụ, năng suất đạt xấp xỉ 20 tấn. Anh Độ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, tập trung nâng cao chất lựng, dưa lưới của trang trại đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Bên cạnh dưa lưới, anh Độ trồng 3.000m2 nho. Không chỉ cho thu nhập cao, vườn nho còn là mô hình được nhiều người đến học hỏi, trải nghiệm kết hợp mở cửa phục vụ du lịch.

Anh Độ chia sẻ, áp dụng công nghệ đã giúp tôi giảm thiếu sự tác động của thời tiết, sâu bệnh đến cây trồng, các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn dễ dàng được áp dụng và tuân thủ để nâng cao hiệu quả kinh tế.

dsc09584(1).jpg
Dưa lưới trong nhà màng giúp anh Độ dễ dàng áp dụng quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm

Từ năm 2021, anh Trần Thanh Tuấn, ở thôn 9, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã đầu tư nhà màng sản xuất cà chua, ớt chuông, dưa leo baby... Ngoài đầu tư nhà màng để chống côn trùng xâm nhập, hệ thống tưới tự đồng, các máy cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm trong nhà màng được anh lắp đặt. Từ chỗ bị động trong quá trình chăm sóc cây trồng vì phụ thuộc thời tiết, anh Tuấn đã dần kiểm soát và làm chủ quy trình sản xuất.

dsc03078(1).jpg
Sản xuất rau trong nhà màng giúp anh Tuấn kiểm soát sâu bệnh và sự tác động bất lợi của thời tiết lên cây trồng

Anh Tuấn cho biết, nhà màng và hệ thống máy móc giúp tôi kiểm soát được 80% rủi ro do nắng mưa thất thường, sâu bệnh, tạo ra các sản phẩm sạch bán ra thị trường. Ưu điểm của sản xuất trong nhà màng là thời gian thu hoạch sản phẩm dài hơn nhiều so với trồng bên ngoài trời", anh Tuấn chia sẻ.

Anh Tuấn hiện có 9 nhà màng rộng từ 2.200 - 3.2000m2 chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả. Anh sản xuất theo hình thức gối đầu để thường xuyên có sản phẩm bán ra thị trường. Nhiều sản phẩm rau của anh đạt chất lượng hàng loại 1 và được thị trường đón nhận với giá khá cao. Hiện nay, anh đã kết nối đầu ra với một số chợ đầu mối để tiêu thụ sản phẩm.

dsc02927(1).jpg
Anh Tuấn đang đầu tư xây dựng thành vùng sản xuất rau củ quy mô hàng hóa chất lượng cao

Anh Tuấn có 15ha đất sản xuất nông nghiệp, ngoài trồng các loại cây lâu năm là thế mạnh tại địa phương, anh Tuấn đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà màng, từng bước hình thành vùng sản xuất rau tập trung theo quy mô hàng hóa chất lượng cao.

ADQuảng cáo

Những năm qua tại Đắk Nông hàng trăm người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất NNƯDCNC. Hướng đầu tư này đã giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn, xuất khẩu.

Ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp

NNƯDCNC đang dần trở thành xu thế được áp dụng ngày càng rộng rãi trong quá trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông. Để phát huy tiềm năng, lợi thế và tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp những năm qua tỉnh Đắk Nông đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch để phát triển nông nghiệp bền vững trong đó chú trọng phát triển các vùng sản xuất tập trung, NNƯDCNC.

dji_fly_20231124_091706_344_1700792235610_photo_optimized(1).jpg
Khu sản xuất nông nghiệp CNC tỉnh Đắk Nông

Từ 2004 đến nay, các cấp, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị tăng gia tăng, ứng dụng CNC, bền vững gắn với thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt được một số kết quả nổi bật.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 85.000ha NNƯDCNC. Công nghệ được áp dụng chủ yếu ứng dụng giống mới, đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới, tưới tự động, tưới tiên tiến, tưới nước tiết kiệm… và các công nghệ mới khác như canh tác thủy canh, sản xuất trên giá thể, nông nghiệp hữu cơ từng bước được ứng dụng vào sản xuất. Tổng sản lượng hàng năm ước đạt trên 404.000 tấn. NNƯDCNC đang cho thấy hiệu quả sản xuất cao hơn, giảm được nhiều chi phi sản xuất và nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.

Tỉnh Đắk Nông đã hình thành, công nhận khu NNCNC với 120ha, công nhận 4 vùng NNƯDCNC với quy mô 2.423ha, công nhận 2 doanh nghiệp NNCNC và tiếp tục hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để công nhận 3 vùng NNƯDCNC trong thời gian tới.

dsc07684(1).jpg
Nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ được người dân áp dụng vào sản xuất nông nghiệp

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, các doanh nghiệp, HTX, người dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Sau khi thử nghiệm và mang lại hiệu quả cao, nhiều loại giống mới đã được đưa vào sản xuất. Các doanh nghiệp, người dân ngày càng quan tâm đến quy trình sản xuất, đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất NNƯDCNC.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Phát triển NNƯDCNC, bền vững theo chuỗi giá trị” là một trong ba trụ cột của nền kinh tế địa phương và là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2025, hình thành và phát triển thêm 12 vùng sản xuất NNƯDCNC, nâng tổng số vùng của tỉnh lên 16 vùng. Giá trị sản xuất NNƯDCNC và ứng dụng một số CNC chiếm từ 15% - 20% trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Công nhận thêm 3 doanh nghiệp NNƯDCNC, nâng tổng số doanh nghiệp NNƯDCNC lên 5 doanh nghiệp.

cnc(1).jpg
Người dân Đắk Nông ứng dụng ngày càng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào chăm sóc cây trồng

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh Đắk Nông hướng đến phát triển NNCNC làm động lực để phát triển ngành nông nghiệp, đây cũng là lĩnh vực tỉnh đang kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Đắk Nông. Tỉnh Đắk Nông có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để bảo đảm doanh nghiệp phát triển bền vững, hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước.

Sau 20 năm tái thành lập tỉnh, nông nghiệp Đắk Nông có bước phát triển vượt bậc, quy mô sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng, tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp tăng gần 2 lần, từ 161.825 ha năm 2004 lên 319.397 ha năm 2023. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp tăng mạnh, tăng 7,9 lần, từ 13,01 triệu năm 2004 năm 2004 lên 103 triệu năm 2023.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn nông nghiệp công nghệ cao ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO