Dấu ấn nhạc Việt 2024: Công nghiệp biểu diễn chuyển biến mạnh mẽ
Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm qua, ngành nghệ thuật biểu diễn có nhiều lợi thế. Đặc biệt, các concert gần đây có sức hút rất lớn.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc đến thành công của hai chương trình “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” đồng thời gợi ý nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt như hai chương trình nói trên để góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa.
Theo thống kê mới nhất của Google, “Anh trai say hi concert” và “Anh trai vượt ngàn chông gai concert” là những từ khóa có lượt tìm kiếm lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2024
Không cần phải nghi ngờ, từ gameshow truyền hình đến concert trong Nam ngoài Bắc, các “anh trai” đã làm nên điểm sáng của nền âm nhạc Việt Nam trong năm qua.
Một năm rực rỡ của nhạc Việt
Theo số liệu từ đơn vị sản xuất chương trình “Anh trai say hi” diễn ra tối 7/12 và 9/12 tại Hà Nội, sự kiện đã thu hút 90.000 khán giả. Trong khi đó, concert Day 2 của “Anh trai vượt ngàn chông gai” ở Hưng Yên có hơn 100.000 người tham dự.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, hai chương trình nói trên có sức hút không kém gì đêm nhạc BlackPink tại Hà Nội năm 2023.
“Trong năm qua, ngành nghệ thuật biểu diễn có nhiều lợi thế. Đặc biệt, các concert gần đây có sức hút rất lớn. Chương trình ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’ được yêu thích vì lồng ghép được những giá trị truyền thống, văn hóa dân gian. Các nhà nghiên cứu văn hóa cần nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về tác động của các chương trình này để có những định hướng phát triển. Nghệ thuật biểu diễn vẫn có tiềm năng, lợi thế, được kỳ vọng đạt doanh thu 770 tỷ đồng vào năm 2030,” Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định.
Hiệu ứng từ các show "anh trai" khẳng định sự chuyển biến mạnh mẽ của ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam. Không chỉ mang lại những tín hiệu khả quan trong việc phát hành vé mà các sự kiện này còn kéo theo việc kinh doanh các mặt hàng đính kèm dành cho người hâm mộ, chứng minh sự thay đổi trong cách sáng tạo/ thưởng thức sản phẩm nghệ thuật của người Việt.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho hay nhà sản xuất YeaH1 có thể thu về 340 tỷ đồng từ concert và trong quá trình sản xuất, phát sóng gameshow “Anh trai vượt ngàn chông gai.”
“Đây là doanh thu từ quảng cáo và tư vấn truyền thông. Tổng hai hạng mục này dự kiến là 340 tỷ đồng. Doanh thu bán vé đến nay vẫn chưa thống kê được. Tuy nhiên, chỉ cần một buổi diễn, chúng ta cũng có thể thấy sự thành công khi phối hợp các ngành văn hóa với nhau. Một chương trình biểu diễn âm nhạc còn kéo theo sự tích hợp lĩnh vực quảng cáo, thời trang, du lịch, ẩm thực...,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương cho biết.
Ngoài hai chương trình “anh trai” đình đám, các nghệ sỹ độc lập cũng có những liveshow đánh dấu chặng đường sự nghiệp như: “Vũ. Concert” tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thu hút khoảng 22.000 khán giả, giúp Vũ trở thành nghệ sỹ Việt có quy mô concert cá nhân lớn nhất trong năm.
Trong khi đó, Tùng Dương làm concert “Người đàn ông hát” tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội). Hà Anh Tuấn đưa live concert “Sketch a Rose” sang Singapore và Australia.
Về phía các nghệ sỹ nữ, Phương Mỹ Chi cũng có một năm thành công với “School tour-Vũ điệu cò bay” 2024 thu hút hơn 8.000 khán giả. Mỹ Tâm làm liveshow “My Soul 1981” tại Bà Rịa-Vũng Tàu với sự tham dự của hơn 5.000 khán giả. Uyên Linh có “The Vocalist” đánh dấu chặng đường 15 năm hoạt động.
Năm 2024, vì nhiều lý do mà các sự kiện âm nhạc quốc tế thường niên đã không diễn ra, chẳng hạn như Monsoon Music Festival, HAY Glamping Music Festival…
Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô (Hozo Music Festival) tại Thành phố Hồ Chí Minh trở thành sự kiện âm nhạc quốc tế lớn nhất, kéo dài trong 3 tháng và có 3 đêm diễn chính thức quy tụ dàn nghệ sỹ khắp cả nước.
Chia sẻ với Báo Điện tử VietnamPlus, nhóm chuyên gia nghiên cứu của Đại học RMIT cho hay thị trường âm nhạc Việt chứng kiến thay đổi rõ rệt trong sở thích và xu hướng nghe nhạc của công chúng, phản ánh qua sự đa dạng và phong phú của các thể loại âm nhạc. Thể loại Ballad dẫn đầu với 86,5% thị phần, cho thấy sự ưa chuộng của khán giả đối với những bài hát nhẹ nhàng, tình cảm. Tiếp theo là Pop với 81,5% nhờ những bản nhạc phổ biến có giai điệu hấp dẫn người nghe. Các thể loại phổ biến khác gồm R&B (62,5%), EDM (49,2%) và Rap (47,1%) nêu bật tầm quan trọng của chúng với sự phát triển âm nhạc đương đại Việt Nam.
Đại diện nhóm nghiên cứu, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thăng Long nói: “Đây là thời điểm vàng để các nghệ sỹ, mạng lưới các doanh nghiệp trong ngành, các cơ quan quản lý và người yêu âm nhạc cùng chung tay xây dựng thị trường âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam chuyên nghiệp, sáng tạo và giàu tiềm năng. Hành vi đang dần thay đổi của người nghe, từ nền tảng yêu thích đến thời gian và không gian nghe nhạc, đòi hỏi cách tiếp cận chiến lược và thích ứng từ toàn bộ hệ sinh thái âm nhạc.”
Giải trí không thể tách rời văn hóa
Nhận định về thị trường âm nhạc Việt Nam năm 2024, theo nhạc sỹ Huy Tuấn, ngành biểu diễn có nhiều đột phá nhờ có lực lượng khán giả trẻ cởi mở, sẵn sàng bỏ tiền thưởng thức nghệ thuật. Ngoài ra, các show trong nước ngày càng được đầu tư nội dung lẫn hình thức, tăng sức hấp dẫn. Nhiều ca khúc hòa quyện chất liệu hiện đại và truyền thống, tiệm cận các thể loại nhạc được ưa chuộng trên thế giới. Sân khấu được đầu tư âm thanh, ánh sáng, dàn dựng đẹp mắt.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng luôn phải xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành nghệ thuật biểu diễn, không bao giờ được tách rời khỏi những chất liệu truyền thống và ý thức sáng tạo ra được những cái sản phẩm mới, độc đáo. Sự kết hợp này luôn phải được thực hiện để duy trì dòng chảy văn hóa đất nước.
Bà Phương khẳng định Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam sẽ luôn là cầu nối, đồng hành, kết nối các nghệ sỹ, các tổ chức quốc tế, người nghiên cứu, người thực hành văn hóa, chính quyền địa phương, các nhà quản lý... với nhau để cùng phát triển.
Cùng quan điểm đó, Giám đốc âm nhạc SlimV của chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” cho hay khoảnh khắc khiến anh tự hào nhất là chứng kiến hàng vạn khán giả hoà giọng theo những làn điệu dân gian, những ca khúc cách mạng.
“Để đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới, tôi tin rằng âm nhạc dân gian là con đường phải đi. Đó là thứ mà thế giới không có vì nó mang đặc trưng của văn hoá và con người Việt Nam qua nhiều thế hệ, còn những thứ khác thì nghệ thuật biểu diễn thế giới đã đạt đến đỉnh cao rồi,” nhà sản xuất âm nhạc SlimV chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, ca sỹ Hà Myo cho rằng nhạc trẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, với nhiều tiềm năng trong bối cảnh công nghiệp văn hóa được chú trọng. Tuy nhiên, để phát huy hết thế mạnh, người trẻ cần thêm các hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức nhà nước, như được hỗ trợ tài chính cho các dự án nghệ thuật độc lập, đặc biệt là những dự án có tính sáng tạo cao.
“Thứ nhất là về cơ sở hạ tầng, Hà Myo mong rằng Nhà nước sẽ quan tâm xây dựng nhiều không gian trình diễn chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Thứ hai là về công tác đào tạo. Đây là khâu quan trọng, tạo điều kiện để nghệ sỹ trẻ được học tập, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế,” nữ ca sỹ cho biết.
Hà Myo thấy rất ấn tượng với sự thành công của hai chương trình “anh trai.” Cô cho rằng chìa khóa thành công của các show này không chỉ ở những màn trình diễn chất lượng, mà còn là sự kết hợp giữa yếu tố giải trí, cảm xúc và câu chuyện gần gũi, dễ dàng chạm đến trái tim người xem. Các chương trình này đã tạo ra một không gian kết nối mạnh mẽ giữa nghệ sỹ và khán giả, giúp người xem không chỉ thưởng thức âm nhạc mà còn cảm nhận được những giá trị văn hóa sâu sắc.
“Điều đặc biệt là các chương trình này biết cách tận dụng sự mới mẻ, sáng tạo trong cách thức tổ chức, đặc biệt là việc lấy chất liệu truyền thống làm chủ đạo, khai thác những chủ đề mang tính thời sự, gần gũi với đời sống để mang văn hóa Việt phát triển lan tỏa rộng rãi. Đây là một yếu tố quan trọng để thu hút khán giả. Hơn nữa, các show này còn tạo ra những trải nghiệm âm nhạc sống động và đầy cảm hứng, khiến khán giả cảm thấy như mình là một phần của câu chuyện,” Hà Myo nhận định./.