Dấu ấn giảm nghèo ở Đắk Nông
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Đắk Nông đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp về giảm nghèo bền vững, gặt hái được nhiều kết quả thiết thực.
Đồng bào nghèo viết đơn xin thoát nghèo
Sinh sống tại thôn 3, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, gia đình chị H’Lim, người dân tộc Mạ đã từng đối mặt với khó khăn khi thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình chị đã sang trang mới nhờ tham gia Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025.
![img_2658.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2024/12/01/img_2658.jpg)
Năm 2022, gia đình chị được hỗ trợ mô hình trồng dâu nuôi tằm. Chính quyền địa phương đã cung cấp con giống, cây dâu giống cùng các kỹ thuật và phương pháp chăm sóc tằm. Nhờ áp dụng phương pháp nuôi tằm trên nền nhà, kết hợp sử dụng né gỗ thay thế né tre truyền thống, việc nuôi tằm của gia đình chị H’Lim trở nên hiệu quả hơn, tiết kiệm công lao động.
![Các cán bộ huyện Đắk Glong thường xuyên đến thăm hỏi, hướng dẫn và chia sẻ kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm với chị H’Lim, giúp mô hình của gia đình chị ngày càng hiệu quả và bền vững](https://daknong.1cdn.vn/2024/12/01/img_2691.jpg)
Việc thâm canh giống dâu mới và áp dụng kỹ thuật nuôi tằm giúp gia đình chị thu được khoảng 60kg kén/hộp tằm. Phân tằm được tận dụng bón cho cây dâu, tiết kiệm đáng kể chi phí mua phân bón. “Nhờ thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm, có được nguồn thu nhập thường xuyên giúp cuộc sống của gia đình ổn định hơn”, chị H’Lim chia sẻ.
Ngoài ra, gia đình chị H’Lim còn được vay 40 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ lãi suất dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ. Nguồn vốn ưu đãi này được chị đầu tư chăm sóc 1ha cà phê, nâng cao năng suất cây trồng.
![Chị H’Lim áp dụng kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, khi cây dâu đạt 2 tháng tuổi, chị cắt nguyên cả cây cao khoảng 90-120 cm để cho tằm ăn, giúp tiết kiệm thời gian và công lao động](https://daknong.1cdn.vn/2024/12/01/img_2748.jpg)
Đến nay, với thu nhập hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí, chị H’Lim đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Từ một hộ nghèo tại địa phương, gia đình chị đã trở thành hộ khá, xây được nhà cửa khang trang và có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, chị H’Lim còn chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn các hộ dân xung quanh cùng tham gia mô hình. Nhiều hộ tại xã Quảng Khê đã có thu nhập ổn định, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương.
![img_2758.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2024/12/01/img_2758.jpg)
Chị K’Lệ Thủy, dân tộc Mạ, thôn 6, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong thuộc diện hộ nghèo, khó khăn về nhà ở được địa phương hỗ trợ 70 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ nhà ở dành cho hộ nghèo DTTS. Cùng với số tiền tích góp, gia đình chị K’Lệ Thủy đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố.
Sau khi có nhà mới, chị K’Lệ Thủy quyết tâm cải thiện kinh tế bằng cách vay thêm vốn để đầu tư phân bón, nông cụ phục vụ sản xuất. Nhờ chăm sóc tốt 1ha hồ tiêu và sầu riêng, mang về thu nhập hơn 200 triệu đồng cho gia đình chị K’Lệ Thủy.
![img_2775.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2024/12/01/img_2775.jpg)
Kinh tế ổn định, gia đình chị K’Lệ Thủy tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Chị K’Lệ Thủy chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, cả nhà chỉ trông chờ vào thu nhập từ hơn 1ha tiêu và sầu riêng, nhưng giá cả bấp bênh khiến cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Được chính quyền hỗ trợ xây dựng nhà ở và động viên vay vốn để đầu tư chăm sóc vườn cây, kinh tế gia đình đã dần khởi sắc. Có nhà mới, cuộc sống ổn định hơn, gia đình cũng có thêm động lực để vươn lên”.
Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong đánh giá, việc có nhiều hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo đã khẳng định hiệu quả của chương trình cũng như sự nỗ lực vươn lên của người dân.
![Thuần DGlong bài Giảm nghèo](https://daknong.1cdn.vn/2024/12/21/thuan-dglong-bai-giam-ngheo.jpg)
“Điểm nhấn đáng chú ý trong công tác giảm nghèo của Đắk Glong những năm qua là đã phát huy, khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu của mỗi người dân. Nhiều hộ dân sau khi được thụ hưởng chính sách từ Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững đã trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình”, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong khẳng định.
![z6253585395076_c2d0a0f9220f0d94c88dcc93b07cb1d8.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2025/01/22/z6253585395076_c2d0a0f9220f0d94c88dcc93b07cb1d8.jpg)
Cũng theo ông Thuần, Đắk Glong có gần 60% đồng bào DTTS; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Những năm qua, huyện luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đắk Glong vượt chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo hàng năm; hoàn thành các chỉ tiêu hỗ trợ nhà ở và xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả cho người dân. Theo kết quả rà soát sơ bộ cuối năm 2024, số hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 1.492 hộ, chiếm 7,88% (giảm 5,56% so với năm 2023), vượt chỉ tiêu đề ra.
Từ chính sách đến thực tiễn
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung 2%/năm và hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ 4%/năm. Để đạt được mục tiêu, Đắk Nông đã tập trung nhiều nguồn lực triển khai công tác giảm nghèo.
![z6253583033681_3b65b1e210aab7ae447b21e95d86374c.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2025/01/22/z6253583033681_3b65b1e210aab7ae447b21e95d86374c.jpg)
Bên cạnh các nguồn vốn của 3 chương trình MTQG (phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới) giai đoạn 2021-2025, Đắk Nông cũng ban hành các chính sách đặc thù để giảm nghèo.
Các nội dung chương trình ưu tiên cho vùng kinh tế khó khăn phát triển đã giúp cho các hộ nghèo có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn hỗ trợ. Từ đó, người dân có nguồn vốn phát huy hiệu quả, cải thiện thu nhập và thoát nghèo.
Là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án liên quan công tác giảm nghèo bền vững.
![img_2749.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2024/12/01/img_2749.jpg)
Ngoài việc triển khai chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết đặc thù của tỉnh. Trong đó, Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND ngày 14/12/2022 về việc quy định một số chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đây là chính sách giảm nghèo đặc thù do ngân sách tỉnh bảo đảm nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết quy định mức hỗ trợ về giáo dục, mức đóng bảo hiểm y tế và nhà ở…
![z6253586705561_a5e758f482a18eb9c98a480ead4ab7c6.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2025/01/22/z6253586705561_a5e758f482a18eb9c98a480ead4ab7c6.jpg)
Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ về nhà ở được triển khai trên địa bàn các huyện không phải huyện nghèo, mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài ra, hộ nghèo, hộ cận nghèo cư trú vùng đặc biệt khó khăn; hộ nghèo DTTS; hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thêm 10 triệu.
![img_2772.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2024/12/01/img_2772.jpg)
Tỉnh hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho trẻ em học học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên tại các cơ sở thường xuyên là người DTTS thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp cho trẻ em mẫu giáo và học sinh, sinh viên là thành viên của hộ thoát nghèo khi học trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề và cao đẳng, đại học hệ chính quy tập trung để mua sách, vở và đồ dùng học tập.
Kết quả, trong 2 năm qua, Đắk Nông đã hỗ trợ được 395 hộ nghèo, cận nghèo, tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Hơn 5.000 đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, HĐND tỉnh còn ban hành các nghị quyết hỗ trợ lãi suất cho hộ đồng bào DTTS vay vốn để sản xuất, kinh doanh...
![img_2783.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2024/12/01/img_2783.jpg)
Dấu ấn nổi bật trong giảm nghèo
Thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được nhiều dấu ấn nổi bật. Tại kỳ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025), toàn tỉnh Đắk Nông có 18.290 hộ nghèo, chiếm 11,19% trên tổng số hộ toàn tỉnh. Trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ 5.187 hộ, chiếm 32,81% trên tổng số hộ DTTS tại chỗ.
![z6186023696534_414df9476c19439f48cd0a197a30a2c2.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2025/01/22/z6186023696534_414df9476c19439f48cd0a197a30a2c2.jpg)
Cuối năm 2023, toàn tỉnh Đắk Nông còn 8.838 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,18% trên tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 6,01% so với năm 2021). Trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ 2.678 hộ, chiếm 16,42% trên tổng số hộ DTTS tại chỗ (giảm 16,39% so với năm 2021).
Theo kết quả rà soát sơ bộ cuối năm 2024, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5.411 hộ, chiếm 3,15% trên tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 3.427 hộ nghèo, giảm 2,03% so với cuối năm 2023). Số hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ 2.025 hộ,
chiếm 12,42% trên tổng số hộ DTTS tại chỗ (giảm 653 hộ, giảm 4% so với cuối năm 2023).
Theo kết quả rà soát sơ bộ cuối năm 2024, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5.411 hộ, chiếm 3,15% trên tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 3.427 hộ nghèo, giảm 2,03% so với cuối năm 2023). Số hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ 2.025 hộ, chiếm 12,42% trên tổng số hộ DTTS tại chỗ (giảm 653 hộ, giảm 4% so với cuối năm 2023).
![z6186023696433_70bc0a568fd695acdfcdfe0674a364d7.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2025/01/22/z6186023696433_70bc0a568fd695acdfcdfe0674a364d7.jpg)
Kết quả trên minh chứng cho việc áp dụng đồng bộ, triển khai kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả trên đã đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
![z6253581997414_67daeb0b9e6cd042823c77ed042dbe2b.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2025/01/22/z6253581997414_67daeb0b9e6cd042823c77ed042dbe2b.jpg)
Báo cáo trước HĐND tỉnh Đắk Nông tại Kỳ họp thứ 9 (diễn ra ngày 9-11/12/2024), ông Châu Ngọc Lương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Tỉnh Đắk Nông chỉ còn hơn 5.000 hộ nghèo, bằng 1/4 so với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Kết quả này là có được là nhờ nguồn lực từ các chương trình MTQG và sự vào cuộc quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương”.
Kết quả giảm nghèo là điểm sáng trong năm 2024 và toàn bộ nhiệm kỳ. Đánh giá về kết quả này, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng: “So với cả nước và so với khu vực, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh Đắk Nông là ấn tượng. Chúng ta có quyền tự hào khi đạt được kết quả này. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của người dân và thu nhập bình quân đầu người được nâng lên, đã tác động mạnh mẽ đến chỉ số hạnh phúc của tỉnh”.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, thực trạng số hộ nghèo còn lại cuối kỳ là đặc biệt khó khăn, khó thoát nghèo hơn. Do vậy, đề xuất năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1% trở lên (trung bình cả nước là 1 -1,5%/năm). Nếu đề ra chỉ tiêu giảm 1% trở lên thì tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2025 còn 2,18%. Tổng tỷ lệ giảm nghèo 4 năm 2022 - 2025 là 9,01% (bình quân mỗi năm giảm 2,25%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra (giảm bình quân hàng năm 2% trở lên.
![z6253584516289_b8f6408265395711dd430be15d5d811f.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2025/01/22/z6253584516289_b8f6408265395711dd430be15d5d811f.jpg)
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp trọng điểm. Trong đó, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tổ chức thực hiện của sở, ngành, chính quyền các cấp và tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể. Đó là vấn đề then chốt trong tổ chức thực hiện các chương trình.
Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân về chủ trương, đường lối, chính sách về công tác giảm nghèo, với phương châm, mục tiêu “Tất cả chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tỉnh triển khai đồng bộ, lồng ghép nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn; bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế đặc điểm, điều kiện của tỉnh; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí, ưu tiên các chính sách, dự án sinh kế cho người nghèo.
![z6253583597905_705dd0e712ee6f6291bceed6a882e359.jpg](https://daknong.1cdn.vn/2025/01/22/z6253583597905_705dd0e712ee6f6291bceed6a882e359.jpg)
Đắk Nông thực hiện công tác giảm nghèo phải theo địa chỉ, xác định nguyên nhân nghèo (thu nhập, thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản). Các giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng trên cơ sở nguyên nhân nghèo được xây dựng để thực hiện chính sách giảm nghèo phù hợp của từng nhóm đối tượng. Tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) gắn với sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo. Công tác thi đua khen thưởng cần được làm tốt để kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo…