Dấu ấn cơ quan dân cử ở Đắk Nông
Gần 20 năm qua, HĐND tỉnh Đắk Nông luôn khẳng định vai trò cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.
Kiện toàn, củng cố bộ máy cơ quan dân cử
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, HĐND tỉnh Đắk Nông và các cấp đã không ngừng tăng về số lượng và hoàn thiện về cơ cấu. Số lượng đại biểu chuyên trách ngày càng được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cụ thể, nhiệm kỳ 2004-2011, HĐND tỉnh khóa I có 45 đại biểu, với 7 đại biểu chuyên trách, đến nhiệm kỳ 2021-2026 tăng lên 52 đại biểu, với 10 đại biểu chuyên trách.
Cơ cấu tổ chức Thường trực HĐND tỉnh mặc dù có sự thay đổi, biến động từng nhiệm kỳ nhưng đã kiện toàn kịp thời theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng, phát huy vai trò cơ quan Thường trực HĐND tỉnh. Việc tiếp tục duy trì cơ cấu Chủ tịch HĐND tỉnh là cấp ủy Đảng hoạt động kiêm nhiệm, các Phó Chủ tịch là cấp ủy viên, hoạt động chuyên trách cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, phù hợp với thực tiễn hoạt động.
Các Ban HĐND tỉnh được tăng cường về số lượng, chất lượng, năng lực và trình độ chuyên môn. Số lượng thành viên ban tăng từ 7 đến 9 thành viên, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Tổ đại biểu HĐND ở các huyện, thành phố luôn thực hiện tốt chức năng, gắn kết các thành viên, phân công tham gia các hoạt động của HĐND tỉnh, thu thập ý kiến và nguyện vọng chính đáng của cử tri, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động
Các kỳ họp HĐND tỉnh Đắk Nông được tổ chức đúng luật, chất lượng, đổi mới theo hướng “gần dân, hiểu dân, vì dân”. HĐND tỉnh đã tiến hành các kỳ họp, phiên họp “không giấy tờ”, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Từ Khóa I, II, III và IV, HĐND tỉnh tổ chức thành công 67 kỳ họp, ban hành 852 nghị quyết quan trọng, phù hợp, khả thi, tạo hành lang cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh.
Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh đã thảo luận, quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng của tỉnh. Với tinh thần trách nhiệm cao và ý thức tuân thủ pháp luật, trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị để lắng nghe, thảo luận đề xuất của UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ban HĐND tỉnh và các cơ quan tư pháp về nội dung trọng tâm, cần thiết trình tại kỳ họp. Nhất là những vấn đề quan trọng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; quy hoạch phát triển đô thị, các chủ trương, chính sách phát triển cụm công nghiệp, về đầu tư công trung hạn, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội...
Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri. Qua tiếp xúc cử tri, các tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị của Nhân dân giúp đại biểu đóng góp xây dựng nghị quyết đúng pháp luật và bảo đảm sâu sát, phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống, nhất là những nghị quyết liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân. Ngoài ra, HĐND tỉnh đã tiếp 914 lượt công dân, nhận 1.334 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân chuyển đến các cấp, các ngành có liên quan xem xét, giải quyết…
Bên cạnh đó, tại các kỳ họp, hình thức chất vấn có sự đổi mới, phù hợp, thích nghi với tình hình. Nội dung chất vấn ngày càng thể hiện vai trò, trách nhiệm của đại biểu trong việc tập hợp, phản ánh kịp thời những vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm. Kết thúc phiên chất vấn, chủ tọa kết luận cụ thể từng nội dung, lĩnh vực. Trên cơ sở đó, đề nghị UBND tỉnh, các ngành có giải pháp khắc phục, tổ chức thực hiện lời hứa trước HĐND tỉnh và cử tri.
Đi đôi với đó, hoạt động giám sát, khảo sát ngày càng đi vào chiều sâu. Trong gần 20 năm, HĐND tỉnh tổ chức trên 216 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề, với trên 832 đề xuất kiến nghị trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước, nghị quyết HĐND tỉnh. Hầu hết các kiến nghị sau giám sát được UBND tỉnh tiếp thu và chỉ đạo các ngành có liên quan triển khai, khắc phục.
Đồng hành với sự phát triển của tỉnh
Theo đánh giá, các nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành phù hợp, khả thi, tạo hành lang cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh. Đặc biệt, các nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội hằng năm, 5 năm, chiến lược 10 năm và tầm nhìn 20 năm; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phát triển từng ngành, lĩnh vực đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để các cấp, các ngành triển khai thực hiện.
Nhiều nghị quyết HĐND tỉnh ban hành đã tạo cơ chế, chính sách, pháp lý quan trọng giúp các cơ quan Nhà nước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời vấn đề cấp bách tại địa phương, yêu cầu của Trung ương như phân bổ các nguồn vốn Trung ương giao, điều chỉnh dự toán, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, đặc biệt dự án xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) – Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), các cơ chế, chính sách triển khai 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội…
HĐND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa, xã hội. Trọng tâm là các nghị quyết về phổ cập giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục; chính sách cho học sinh nghèo, học sinh nội trú, bán trú đã đáp ứng đòi hỏi bức thiết của Nhân dân và sự nghiệp giáo dục của tỉnh, đã huy động sự đóng góp của toàn xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là đối với giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp học sinh có điều kiện khó khăn được đến trường học tập đầy đủ, nâng cao chất lượng giáo dục.
Các nghị quyết về phát triển y tế, chính sách cho bệnh nhân nghèo thực sự phát huy hiệu quả tích cực, phù hợp với điều kiện thực tế bệnh nhân nghèo trên địa bàn, chính sách đã giúp cho người nghèo điều trị nội trú giảm bớt khó khăn. Nghị quyết về phát triển văn hóa, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng lao động, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện.