Dấu ấn bảo vệ an ninh trật tự của phụ nữ Đắk Nông
Phụ nữ Đắk Nông đã để lại nhiều dấu ấn trong bảo vệ an ninh trật tự, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.
Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tích cực phối hợp với các cấp, các ngành đề ra các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (TDBVANTQ).
Một trong những giải pháp tích cực đó đẩy mạnh và đa dạng các hoạt động truyền thông qua nhiều hình thức như: hội thi, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi hội...
Đắk Nông có trên 86.000 hội viên, phụ nữ sinh hoạt tại 753 chi, tổ hội. Các cấp hội phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an tuyên truyền bảo vệ ANTT tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết quả, đến nay các cấp hội phụ nữ đã tổ chức trên 2.000 hoạt động tuyên truyền bảo vệ ANTT, thu hút trên 130.000 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Các cấp hội phụ nữ còn đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ ANTT qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Qua đó, giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về pháp luật, tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa các tệ nạn xã hội, góp phần tham gia có hiệu quả vào phong trào TDBVANTQ.
Không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, các cấp hội còn chú trọng xây dựng các mô hình, câu lạc bộ, điển hình tiên tiến trong phong trào TDBVANTQ.
Đến nay, các cấp hội phụ nữ ở Đắk Nông đã xây dựng, duy trì và nhân rộng trên 200 mô hình, điển hình như: “Gia đình không có người thân phạm tội và tệ nạn xã hội”; “Gia đình 5 không, 3 sạch”; “Phụ nữ với pháp luật”; “Phòng chống bạo lực gia đình về tảo hôn và hôn nhân cận huyết”; “Gia đình không có bạo lực”…
Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả đã góp phần không nhỏ trong bảo đảm an toàn giao thông, kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn ma túy, bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội khác trên địa bàn.
Nhiều cách làm hay, sáng tạo về bảo vệ ANTT đã được các cấp biểu dương, khen thưởng. Trong đó tiêu biểu như: Hội LHPN TP. Gia Nghĩa; Hội LHPN huyện Đắk R’lấp; bà Nguyễn Thị Lâm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nam Cao, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô; H’Mhên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Glong…
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng lên tiếng 39 vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Phụ nữ Đắk Nông hỗ trợ 41 trẻ bị bỏ rơi và xâm hại, bạo hành; phối hợp các đơn vị liên quan giáo dục, cảm hóa hơn 45 trường hợp phạm tội và tệ nạn xã hội tự giác đầu thú, tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các hội viên phụ nữ còn tham gia các tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở như: tổ hòa giải, tổ xung kích…
Đây là lực lượng nòng cốt, kịp thời có mặt phục vụ yêu cầu công tác giữ gìn giữ an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, duy trì, phát triển phong trào TDBVANTQ ở cơ sở.
Các cấp hội đã vận dụng thực hiện Phong trào TDBVANTQ gắn với việc chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên thông qua triển khai các chương trình, đề án.
Cụ thể như thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không/5 có, 3 sạch”; Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã vận động, kết nối hỗ trợ, chăm sóc cho 204 trẻ với mức bình quân từ 500.000 - 1.000.000 đồng/trẻ/tháng, với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng/năm.
Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã phối hợp hỗ trợ 43 sinh kế (tổng trị giá 687 triệu đồng) giúp hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn ở địa bàn biên giới…
Theo đánh giá của Công an tỉnh, với những nỗ lực của các cấp hội phụ nữ trong việc tham gia phong trào TDBVANTQ, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm.
Trong đó, nhiều vụ việc phức tạp đã được phát hiện, giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở nhờ sự góp sức của phụ nữ.