Dấu ấn 2 đột phá nông nghiệp ở huyện biên giới Đắk Nông
Giai đoạn 2021-2024, nông nghiệp huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đạt những dấu ấn quan trọng, nhất là 2 đột phá chiến lược trong lĩnh vực này.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao
HTX Nông nghiệp Dịch vụ Long Việt, ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có vùng nguyên liệu mắc ca 400ha, cho thu hoạch trung bình 1,2 - 2 tấn/ha.
Sau khi thu hoạch và thực hiện các khâu làm sạch, sấy, mắc ca của HTX được đưa vào trong kho lạnh để bảo quản. Đây là kho lạnh công nghệ cao được HTX đầu tư để phục vụ bảo quản góp phần nâng cao chất lượng mắc ca.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Dịch vụ Long Việt cho biết, nhiệt độ thấp trong kho lạnh giữ cho hạt mắc ca luôn giòn, không bị mềm hoặc ẩm.
Việc bảo quản tốt giúp giữ được hương vị đặc trưng của mắc ca, không bị mất đi hoặc biến đổi do tác động của môi trường bên ngoài.
Bảo quản mắc ca trong kho lạnh không chỉ giúp duy trì chất lượng vượt trội mà còn tối ưu hóa giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đây là giải pháp thiết yếu cho việc sản xuất mắc ca, nhất là khi hướng tới thị trường quốc tế.
Nhiệm kỳ 2021 – 2025, huyện Tuy Đức xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) và phát triển các loại cây trồng có thế mạnh là 2 đột phá chiến lược xây dựng ngành Nông nghiệp của huyện theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh trên thị trường với giá trị cao.
Đến nay, toàn huyện có trên 2.375ha cây trồng các loại có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chiếm 4,2% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Giá trị sản xuất NNƯDCNC và ứng dụng một phần công nghệ cao chiếm từ 5,6% trong giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Thu nhập trên 1ha diện tích đất canh tác cùng nhóm sản phẩm trong 1 năm có ƯDCNC tăng khoảng 10,2% trở lên so với thời điểm năm 2020.
Giai đoạn 2021 – 2025, huyện đã tiến hành quy hoạch được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện gồm vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao với diện tích 600ha tại xã Đắk R’tíh, Quảng Tân; vùng hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao 300ha tại xã Đắk Búk So, Quảng Tâm; vùng sản xuất rau, củ, quả ƯDCNC 200ha tại xã Quảng Tâm, Đắk Búk So; vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã Quảng Trực, quy mô 400ha.
Về chăn nuôi, các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lớn ở nhiều địa phương trong huyện tiếp tục đầu tư ƯDCNC nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, nhất là ƯDCNC trong chăn nuôi heo.
Bà Phan Thị Khương, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức đánh giá, NNƯDCNC đã góp phần tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả cao hơn cho người sản xuất, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Đây là giải pháp then chốt nhằm nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.
Hình thành vùng sản xuất cây chủ lực quy mô lớn
Cùng với NNƯDCNC, huyện Tuy Đức đã chủ động lập quy hoạch các vùng sản xuất theo tiềm năng, lợi thế của từng xã, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng tập trung chuyên canh.
Từ đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế, thay đổi dần tư duy tiểu nông sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng sản xuất điều tại xã Đắk Ngo quy mô 8.500ha; vùng sản xuất hồ tiêu tại xã Đắk Búk So, Quảng Tân, Đắk R’tíh và Quảng Tâm quy mô 2.100ha; vùng sản xuất cà phê tại xã Quảng Tân, Đắk R’tíh, Đắk Búk So quy mô 12.500ha; vùng sản xuất mắc ca tại xã Quảng Trực quy mô 1.500ha; vùng sản xuất rau xanh tại xã Đắk Búk So, Quảng Tâm quy mô trên 450ha.
Mắc ca đã và đang trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết vấn đề về sinh kế cho nhiều hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn xã Quảng Trực, Quảng Tâm.
Cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, mắc ca vẫn là các loại cây trồng chủ lực và mang lại nguồn thu chính cho các hộ nông dân trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần đạt được các mục tiêu đề ra về việc đẩy mạnh phát triển NNƯDCNC, mở rộng và phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, huyện Tuy Đức tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 2 đề án: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển vùng NNƯDCNC.
Thực hiện các đề án, người dân trên địa bàn huyện đã áp dụng các giống mới vào sản xuất như giống cà phê cao sản (TRS1, TR4, TR9, xanh lùn, cà phê dây); các giống mắc ca ghép (QN1, A38, OC); các giống lúa lai (ST24, ST25, VT404).
Thực hiện Sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn heo, phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, giúp nông dân biết cách khai thác nguồn tài nguyên đất một cách hợp lý, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai để phát triển kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp huyện giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt 8,2%/năm. Đến năm 2025, giá trị sản phẩm thu được bình quân trên 1ha đất trồng trọt đạt 120 triệu đồng/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2020.
Một số sản phẩm nông nghiệp của huyện đã tạo được thương hiệu và khẳng định được vị trí trên thị trường tiêu thụ như: sản phẩm khoai lang Nhật Bản, sản phẩm hạt mắc ca sấy khô.
Hiện toàn huyện có 13 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và 11 sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.
Bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Huyện ủy Tuy Đức đánh giá, 2 đột phá chiến lược về ƯDNNCNC và phát triển cây trồng chủ lực đã tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ cho nông nghiệp huyện Tuy Đức.
Đây là tiền đề để huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và hướng tới mục tiêu xây dựng NTM bền vững trong những năm tiếp theo.
Dự kiến đến năm 2025, huyện Tuy Đức có 20.773ha cà phê, tăng 820ha so với năm 2020; 2.528ha hồ tiêu, tăng 267ha so với năm 2020; 11.342ha điều , tăng 7.256ha so với năm 2020. Toàn huyện đã phát triển được 3.725ha mắc ca, tăng gấp 3 lần so với năm 2020...