Dấu ấn 120 năm tỉnh Đắk Lắk

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ| 27/11/2024 22:44

Năm 2024, tỉnh Đắk Lắk tròn 120 năm thành lập và phát triển. Trong thành trình hơn một thế kỷ, tỉnh Đắk Lắk trải qua nhiều biến động, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc nhưng cũng rất anh dũng, hào hùng, đóng góp vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Từ một vùng đất hoang sơ, heo hút giữa đại ngàn Tây Nguyên, đến nay Đắk Lắk đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những tỉnh phát triển khá và đang vươn mình xứng tầm thủ phủ của Tây Nguyên.

Thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay. Thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay.

Dấu ấn lịch sử

Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính trong các thời kỳ lịch sử, vùng Tây Nguyên nói chung và địa bàn Đắk Lắk nói riêng dần gắn kết và hòa nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Cuối thế kỷ 19, trong quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã từng bước thiết lập ách đô hộ lên các dân tộc ở Tây Nguyên. Để xác lập quyền cai trị và tổ chức về mặt hành chính đối với Đắk Lắk, ngày 2/11/1899, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Đại lý hành chính Đắk Lắk đặt trụ sở tại Buôn Đôn. Đến ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập một tỉnh mới đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ Trung kỳ lấy tên là tỉnh Đắk Lắk. Sự kiện này mang tính pháp lý, xác lập lãnh thổ chủ quyền quốc gia trọn vẹn của Việt Nam, là cột mốc lịch sử đánh dấu sự thành lập tỉnh Đắk Lắk và tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột; là kết quả của quá trình chuyển biến, giao lưu, gắn kết và hội nhập về văn hóa, xã hội, con người, kinh tế, chính trị và lãnh thổ của nhân dân các dân tộc nơi đây vào lịch sử dân tộc.

Từ ngày thành lập đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã trải qua nhiều chặng đường chuyển mình và phát triển cùng lịch sử dân tộc. Ngay từ khi thực dân Pháp đặt chân lên vùng đất Tây Nguyên, với truyền thống yêu nước, kiên cường và bất khuất, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã anh dũng đứng lên chiến đấu chống quân xâm lược. Hàng loạt phong trào đấu tranh liên tiếp nổ ra trong suốt những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 do các tù trưởng, trí thức người đồng bào dân tộc thiểu số lãnh đạo, như: Nơ Trang Gưh, A Ma Jhiao, Nơ Trang Lơng, Y Jút H’Wing... Đặc biệt, sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, khủng bố, lùng bắt các chiến sĩ cộng sản, giam giữ hàng nghìn chiến sĩ cách mạng trung kiên của đất nước ta tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Với sự đấu tranh kiên cường, không mệt mỏi của các chiến sĩ cộng sản, cuối năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, sự kiện này cũng đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk vào ngày 23/11/1940, nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Đắk Lắk, giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong hai cuộc trường chinh kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã kề vai sát cánh, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ; luôn đoàn kết một lòng hướng về cách mạng. Quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã lập nên những chiến công hiển hách, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Đặc biệt, với vị trí trọng yếu về quốc phòng-an ninh, vào đầu năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm trận đánh đột phá, chiến lược, mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã chung sức, đồng lòng, đồng cam cộng khổ vượt mọi khó khăn, gian khó, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa đấu tranh giải quyết vấn đề Fulro, đập tan các hành động xâm lược, góp phần quan trọng vào thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam; tích cực thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực. Ghi nhận những công lao, thành tựu đó, Đảng, Nhà nước đã trao tặng Đảng bộ, quân và dân tỉnh Đắk Lắk nhiều huân, huy chương cao quý: Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Thành đồng, Huân chương Quân công hạng nhất, nhì, ba... Nhiều địa phương, đơn vị, cá nhân trong tỉnh cũng được tặng thưởng các danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước.

Xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên

Đến nay, sau 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển, nhất là sau 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước và sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, tỉnh Đắk Lắk đã giành được nhiều thành tựu nổi bật, có ý nghĩa quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, tạo ra thế và lực vững chắc trên chặng đường phát triển tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: Đến nay, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên, dân số thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và vươn mình trở thành một tỉnh khá của khu vực miền trung-Tây Nguyên. Đặc biệt, tỉnh có diện tích và sản lượng cà-phê, tiêu, sầu riêng đứng hàng đầu cả nước; là đầu mối giao thông quan trọng của Tây Nguyên. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu khu vực Tây Nguyên. Giai đoạn 2021-2023, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%/năm, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng; GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt gần 75 triệu đồng. Cơ cấu các ngành kinh tế có sự dịch chuyển tích cực, từng bước giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp-xây dựng; lĩnh vực nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững; sắc thái, diện mạo của tỉnh có nhiều đổi thay tích cực. Văn hóa xã hội đạt nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, để vươn mình phát triển bền vững, xứng đáng với vị trí trung tâm và điểm động lực chính của vùng Tây Nguyên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020-2025); đặc biệt là Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột; Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên; Nghị quyết số 72 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột và Quyết định số 1747 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Lắk nhằm tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2050 Đắk Lắk “trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống”.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Đắk Lắk huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao. Đổi mới mô hình kinh tế, trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế, quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; thúc đẩy hoạt động nông nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo; xây dựng nền kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng giao thông, thủy lợi; phát triển dịch vụ-logistics-du lịch dựa trên nền tảng chuyển đổi số. Đi đôi với phát triển kinh tế nhanh, bền vững là chú trọng bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đặc trưng của địa phương; bảo đảm quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, tỉnh phải luôn xác định nhiệm vụ vun đắp, gìn giữ, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc là “chìa khóa” để xây dựng địa phương ngày càng bình yên, ấm no, hạnh phúc, tạo khí thế mới, vận hội mới, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ■

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/dau-an-120-nam-tinh-dak-lak-post847320.html
Copy Link
https://nhandan.vn/dau-an-120-nam-tinh-dak-lak-post847320.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Dấu ấn 120 năm tỉnh Đắk Lắk
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO