Mẹo vặt

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn 2024 tỉnh Thanh Hóa

Kiên Trung14/06/2024 10:37

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn 2024 tỉnh Thanh Hóa, giúp các em học sinh tham khảo, dễ dàng so sánh với kết quả bài thi vào lớp 10 của mình thuận tiện hơn.

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn 2024 tỉnh Thanh Hóa

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được tổ chức trong 2 ngày (13 và 14/6/2024). Bài thi vào lớp 10 môn Văn Thanh Hóa theo hình thức tự luận, với thời gian làm bài 120 phút, tổ chức thi sáng ngày 13/6.

Đề thi vào 10 Văn Thanh Hóa 2024
Đề thi vào 10 Văn Thanh Hóa 2024

Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn 2024 tỉnh Thanh Hóa

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2.

Tác giả cho rằng dưới bầu trời mưa luôn có người vui, người buồn vì:

- Người vui vì trời đỡ oi hơn, không khí lành lạnh sau cơn mưa giông chiều. Người vui vì khoai nhanh như thổi trên đồi.

- Người buồn vì gánh tào phớ lướt thướt, hi vọng tan dần trong làn mưa. Người buồn vì nước mắt rơi trên cánh đồng muối hòa theo hạt mưa rơi.

Câu 3.

- Biện pháp: Điệp ngữ (Làm sao…)

- Tác dụng: Nhấn mạnh sự cần thiết của việc cân bằng các yếu tố khác nhau trong môi trường sống để cùng tồn tại và phát triển bền vững.

Câu 4.

- Đồng ý với quan điểm

- Vì:

+ Trưởng thành là khi bạn không chỉ có thay đổi về ngoại hình mà còn thay đổi về nhận thức, suy nghĩ chín chắn, trưởng thành.

+ Trưởng thành là khi bạn biết nhận phần thiệt thòi về mình, trao yêu thương cho người khác.

+ Trưởng thành là khi bạn có lòng vị tha, bao dung trước những lỗi lầm của những người xung quanh.

II. LÀM VĂN

Câu 1

1. Mở đoạn

Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của việc biết sống vì người khác.

2. Thân đoạn

a. Giải thích

- "sống vì người khác" : là lối sống biết yêu thương, chia sẻ, đồng cảm, giúp đỡ những người xung quanh.

=> Đây là một lối sống đẹp, mang lại nhiều ý nghĩa cho đời sống con người

b. Bàn luận

- Lối sống vì người khác được thể hiện dưới nhiều hành động khác nhau: yêu thương gia đình, hiếu thảo với cha mẹ, đoàn kết với bạn bè, kính trọng thầy cô, biết giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn,...

- Lối sống vì người khác mang lại rất nhiều giá trị, có ý nghĩa thiết thực:

+ Thể hiện tình đoàn kết, yêu thương giữa người với người, giảm đi những nỗi bất hạnh và nhân đôi niềm vui trong đời sống.

+ Hình thành trong mỗi người thái độ sống tích cực, bồi đắp cho con người những đức tính cao quý như nhân hậu, bao dung, chăm chỉ, dũng cảm, sẻ chia,..

+ Tiếp thêm cho con người động lực để vượt qua những khó khăn, định kiến.

+ Khiến tâm hồn con người được thanh thản, đem đến cho chúng ta nhiều góc nhìn đa chiều về cuộc sống.

+ Được mọi người xung quanh tin tưởng, yêu mến và trở thành công dân tốt cho xã hội.

- Dẫn chứng: Học sinh lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu.

c. Phê phán: những kẻ sống vô cảm, ích kỉ, lợi dụng người khác.

d. Phản đề: cần biết kết hợp giữa lối sống biết hi sinh, quan tâm mọi người với việc quan tâm bản thân, khẳng định cá tính cá nhân.

3. Kết đoạn

- Khẳng định lại ý nghĩa vấn đề nghị luận

- Rút ra bài học và liên hệ bản thân

Câu 2.

a .Mở bài

- Nguyễn Quang Sáng (1932 – 2014): là nhà văn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sinh ra, lớn lên và hoạt động chủ yếu ở chiến trường miền Nam nên các sáng tác của ông hầu như chỉ xoay quanh cuộc sống con người Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến cũng như sau hòa bình.

- Chiếc lược ngà được viết năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Được in trong tập truyện cùng tên.

- Khái quát nội dung đoạn trích.

b. Thân bài

* Giới thiệu về hoàn cảnh của đoạn trích: cuộc chia tay của hai cha con ông Sáu.

* Cảm nhận về bé Thu và tình cảm dành cho ông Sáu

+ Tuy nhiên khi được nghe bà ngoại giải thích, anh Sáu không giống trong bức ảnh thì bé Thu hiểu ra mình đã sai. Thu đã rất ân hận về hành động của mình.

+ Phản ứng không nhận anh Sáu quyết liệt bao nhiêu thì khi nhận ra cha tình cảm ấy lại càng sâu nặng bấy nhiêu. Trong giờ phút cuối cùng trước khi cha đi, tình cảm dồn nén bấy lâu nay bùng lên thật mãnh liệt, mạnh mẽ.

+ Nó thét tiếng “Ba” xé ruột, xé gan. Đó là tiếng “ba” nó mong chờ bấy lâu nay, tiếng gọi ấy khiến ông Sáu rơi lệ.

+ Rồi nó nhảy tót lên ôm chặt lấy ông Sáu, hôn vào tóc, vai, mặt, mũi và cả vết thẹo dài trên mặt ông. Chân nó quắp chặt lấy ba, như thể không muốn cho ông rời đi.

→ Tính cách nhân vật bé Thu: Tình cảm mạnh mẽ sâu sắc nhưng cũng rất dứt khoát, rạch ròi. Có nét cá tính cứng cỏi đến mức ương ngạnh nhưng vẫn là đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ.

→ Tất cả những hành động ấy cho thấy Thu yêu thương ba vô cùng, một tình yêu mãnh liệt, chân thành, thắm thiết. Tình yêu đó được bộc lộ một cách cảm động qua hoàn cảnh éo le của chiến tranh.

* Đặc sắc nghệ thuật

- Miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật đặc sắc: Từ chỗ Thu ngạc nhiên hoảng sợ đến lạnh lùng, cuối cùng là sự bùng nổ những yêu thương do bị dồn nén. Thể hiện được điều đó chứng tỏ tác giả am hiểu tâm lí trẻ em, yêu mến, trân trọng những tình cảm trẻ thơ.

- Ngôn ngữ giản dị, đậm chất Nam Bộ.

- Tình huống bất ngờ hợp lí, đã bộc lộ tình yêu thương tha thiết bé Thu dành cho ba của mình

c. Kết bài

Tác phẩm đã thể hiện một cách chân thực và cảm động tình cảm yêu thương sâu nặng của hai cha con trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.

Bài viết tham khảo

A. Mở bài

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn Nam Bộ. Ông hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người Nam Bộ, trong chiến tranh và sau hòa bình. Một trong những truyện ngắn tiêu biểu của ông là " Chiếc lược ngà". Truyện được viết năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ trong khi cuộc kháng chiến đang diễn ra ác liệt. Truyện đã diễn tả một cách cảm động tình cha con thắm thiết sâu nặng của ông Sáu và bé Thu trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Đoạn truyện thể hiện rõ điều ấy " Đến lúc chia tay … của nó run run". Đoạn truyện kể về phút chia tay giữa ông Sáu cùng gia đình và người thân trở về đơn vị. Qua đó thể hiện tình cha con thắm thiết sâu nặng.

B. Thân bài

* Khái quát: Chủ đề về tình cha con không còn mới lạ nhưng thành công của Nguyễn Quang Sáng trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" chính là cách khai thác biểu hiện của tình cha con trong hoàn cảnh chiến tranh và xa cách. Tác giả đặt nhân vật khá bất ngờ nhưng tự nhiên và hợp lí, hai cha con ông Sáu gặp nhau sau 8 năm xa cách nhưng thật trớ trêu là bé Thu không nhận cha. Đến lúc em nhận ra thì ông Sáu lại phải lên đường.

a. Hoàn cảnh: Trong chuyến về phép thăm nhà, anh Sáu từ chỗ háo hức, nôn nóng được gặp con trở nên đau đớn thất vọng khi con bé nhìn thấy anh vụt bỏ chạy, không chịu nhận cha, không chịu nhận sự yêu thương chăm sóc của anh đối với nó khiến anh từ chỗ chỉ "lắc đầu cười đến không kiềm chế được anh đã đánh con. Còn bé Thu chỉ biết mặt ba qua tấm hình chụp chung với má nó nên nó không chịu nhận ông Sáu là ba, nhất định không chịu gọi một tiếng ba dù mẹ nó dọa đánh, dù bị đẩy vào thế bí, nó phản ứng quyết liệt khi ông Sáu chiều thương nó… do đó lúc chia tay cả anh Sáu và bé Thu đều có những cử chỉ, tâm trạng thật đặc biệt: Anh Sáu thì đưa mắt nhìn con còn bé Thu thì đứng trong góc nhà, anh muốn ôm con, hôn con nhưng lại sợ nó giẫy lên rồi bỏ chạy. Nên anh chỉ đứng nhìn nó với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu, còn bé Thu thì đứng trong góc nhà với đôi mắt mênh mông, tâm trạng xôn xao, bồn chồn.

2. Trước hết đoạn trích đã diễn tả thành công tình cảm sâu sắc mãnh liệt của bé Thu dành cho ông Sáu tình cảm đó được biểu hiện trong hành động và ngôn ngữ của nhân vật bé Thu. trong lúc không ai ngờ đến thì bé Thu bỗng kêu thét lên "ba …a …a" tiếng "ba" ngân dài, tiếng "ba" mà nó đã chất chứa trong lòng tử 8 năm trước. Tiếng "ba" được thốt ra từ trong sâu thẳm trái tim nó. Tiếng " ba" chất chứa ở trong đó tất cả tình yêu thương, niềm kiêu hãnh và tự hào. Tiếng "ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu lâu nay, tiếng "ba" như vỡ tung từ đáy lòng nó. Tiếng kêu của con bé như xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Nó vừa kêu, vừa chạy xô tới nhanh như một con sóc, cùng với nhịp kể nhanh đã cho thấy sự gấp gáp vội vàng trong từng cử chỉ, hành động của bé Thu. Có lẽ nó cảm nhận được thời gian còn quá ngắn ngủi để nó được ở bên ba, được sống trong tình yêu thương của ba, để bù đắp những lỗi lầm mà nó gây ra khiến ba nó phải buồn.

Sau tiếng thét nó ôm chặt lấy cổ ba, nó nói trong tiếng khóc: " Ba! không cho ba đi nữa! ba ở nhà với con". Khi được ba nó bế nên, nó hôn ba nó khắp, nó hôn tóc, hôn vai, hôn cổ và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa, cái vết sẹo mà chỉ mấy ngày trước nó còn sợ. Hành động của bé Thu như muốn xoa dịu nỗi đau mà nó đã gây ra cho ba nó như một hành động chuộc lỗi. Khi nghe ông Sáu nói "Ba đi rồi ba về với con" bé Thu đã hét toáng lên "không". Rồi hai tay ôm chặt lấy cổ nó dạng cả hai chân câu chặt lấy ba nó. Đôi vai nhỏ bé của em run run. Có lẽ em khóc vì thương cha, ân hận đã không phải với cha, vì không biết đến bao giờ mới gặp được cha. Lúc này mọi hành động của bé Thu đều gấp gáp dồn dập trái hẳn với những lúc trước. Trong tâm hồn bé Thu tình yêu cha đã có sự thay đổi, ngoài tình yêu còn có tình thương rồi cao hơn là niềm tự hào niềm kiêu hãnh vô cùng về người cha, người chiến sĩ đã hy sinh một phần xương máu của mình cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Giờ đây người cha ấy lại tiếp tục đi theo con đường vinh quang mà cả dân tộc đang đi. Cũng chính vì điều đó mà khi được ngoại giảng giải là vết sẹo trên mặt ba là do Tây bắn bị thương "thì nó nằm im lăn lộn thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn".

b. Đoạn truyện không chỉ cho thấy tình cảm mãnh liệt của bé Thu dành cho cho ông Sáu mà còn thể hiện tình cảm của ông Sáu dành cho bé Thu. Khi đứa con chạy sô tới ôm chặt lấy cổ anh, anh bế con để cảm nhận tình yêu của con dành cho mình và cũng là thể hiện tình cảm của anh dành cho con. Khi được nghe nó gọi tiếng "Ba", khi được ôm con trong lòng thì anh vui sướng vô cùng, không kìm được xúc động và không muốn cho con thấy mình khóc anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt rồi hôn lên tóc con đó là những giọt nước mắt của niềm sung sướng và hạnh phúc khi được ôm con được sống trong tình yêu thương của con, được bù đắp tình cảm cho con trong suốt 8 năm ròng. Có lẽ tâm trạng anh lúc này xáo trộn khó tả bởi sau 8 năm mới được nghe tiếng gọi "ba" mới được ôm con vào lòng nhưng cũng là lúc anh phải xa con và trở về với đơn vị.

Tình cảm của cha con ông Sáu đã gây nên một cảm xúc mãnh liệt đối với những người chứng kiến: "Tiếng kêu của bé Thu không chỉ xé sự im lặng, mà còn xé cả ruột gan mọi người nghe thật xót xa", khi chứng kiến cảnh chia tay của cha con anh, nhiều người không cầm nổi nước mắt. Tình cảm của cha con ông Sáu được nhà văn Nguyễn Quang Sáng thể hiện trong một đoạn văn có những chi tiết chọn lọc, lời văn trữ tình, cảm xúc đã tô đậm lên tình cảm cha con cao quý của anh Sáu và bé Thu, góp phần biểu hiện một nét đẹp tâm hồn cao quý của người chiến sĩ.

C. Kết bài

Với một đoạn văn tự sự có tính chất trữ tình cùng với những chi tiết đặc sắc Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện được tình cảm cha con sâu nặng trong hoàn cảnh trớ trêu đầy kịch tính của người dân Việt Nam thời chiến và để lại ấn tượng sâu sắc, đầy ám ảnh đối với người đọc hôm nay. Tình cảm của cha con ông Sáu gợi cho ta suy nghĩ, phải biết trân trọng những tình cảm thiêng liêng, cao quý mà chúng ta đang có sống xứng đáng với những tình cảm đó.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Đáp án đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn 2024 tỉnh Thanh Hóa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO